PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NGUYẾN TẤN DŨNG TẠI LỄ KHAI MẠC HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ASEM LẦN THỨ 9

  
      Thưa các vị khách quí,
      Thưa Quí bà, Quí ông,

      Tiếp theo Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2004, trong tháng 5 này, Việt Nam vừa được vinh dự tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 2, và hôm nay, lại được chào đón các vị Bộ trưởng Ngoại giao và các Trưởng đoàn của 44 thành viên ASEM tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 9 tại thủ đô Hà Nội của chúng tôi. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các Quí vị đại biểu và khách quí đến dự Hội nghị.

      Trong hai thập kỷ qua, thế giới đã và đang chứng kiến nhiều chuyển biến to lớn và sâu sắc. Từng là những cái nôi của văn minh nhân loại, châu Á và châu Âu cũng đang chuyển mình với những đổi thay chưa từng thấy, với sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều quốc gia và các cơ chế hợp tác, liên kết hết sức đa dạng ở nhiều cấp độ khác nhau, đóng vai trò ngày càng quan trọng cho hòa bình, hợp tác và phát triển của loài người. Châu Á tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, trong khi châu Âu đạt được những tiến bộ to lớn trong tiến trình nhất thể hóa. Sự ra đời của ASEM vào năm 1996 không chỉ bổ sung một “mắt xích bị thiếu” trong quan hệ quốc tế, mà quan trọng hơn, sự kiện này thể hiện quyết tâm của nhân dân Á-Âu chúng ta trong việc xây dựng quan hệ đối tác giữa hai châu lục, vì lợi ích của các thành viên và đóng góp hiệu quả hơn cho quan hệ quốc tế mới.

      Nhìn lại chặng đường 13 năm tồn tại và phát triển của ASEM, chúng ta có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được trên nhiều lĩnh vực. ASEM thực sự đã trở thành một diễn đàn quan trọng cho đối thoại và hợp tác Á-Âu. ASEM ngày càng thu hút đông đảo các thành viên tham gia và nội dung hợp tác ngày càng được mở rộng với hình thức phong phú, thiết thực. Ngày nay ASEM đại diện cho 58% dân số, 50% GDP và 60% thương mại toàn cầu; gồm 3 trong tổng số 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 10 trong tổng số 20 thành viên G20 và nhiều thành viên ASEM có vai trò quan trọng trong nhiều thể chế hợp tác quốc tế như WTO, OECD, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế….

      Hội nghị Ngoại trưởng ASEM lần này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế đang gây ra những tổn thất to lớn, đẩy thế giới vào một thời kỳ hết sức khó khăn và bất ổn. Chúng ta đang phải ứng phó với những tác động tiêu cực về chính trị, kinh tế, xã hội của cuộc khủng hoảng, đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt mang tính toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng, chủ nghĩa khủng bố… mà tác hại không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 6,7 tỉ người đang sống trên trái đất hiện nay, mà còn đối với cả các thế hệ con cháu chúng ta mai sau. Điều này đặt ra cho tất cả chúng ta yêu cầu phải có sự phối hợp hành động chung để cùng nhau vượt qua khó khăn.

       Thời gian qua, bên cạnh các nỗ lực to lớn của mỗi quốc gia, trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, Chính phủ nhiều nước đã tích cực hợp tác để cùng tìm ra các biện pháp ứng phó trên quy mô toàn cầu và khu vực. Sự thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN + 3, cũng như kết quả tích cực của Diễn đàn Bác Ngao tại Trung Quốc và Hôi nghị tương lai châu Á tại Nhật Bản vừa qua là những dấu mốc quan trọng trong sự nỗ lực phối hợp hành động chung toàn cầu và khu vực.

      Trong bối cảnh đó, với vai trò và những thế mạnh của mình, ASEM không thể chỉ là diễn đàn trao đổi ý kiến, mà cần có những hành động cụ thể và thiết thực. Các câu hỏi đang đặt ra với chúng ta là: Thứ nhất, phải chăng tình hình quốc tế hiện nay không chỉ đòi hỏi chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn mà còn trao cho chúng ta trọng trách phải chung tay xây dựng một hệ thống kinh tế-tài chính mới bền vững hơn, góp phần vào những nỗ lực quốc tế để phục hồi kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề toàn cầu? Thứ hai, ASEM cần phải làm gì thêm để nâng cao hiệu quả hợp tác và vị thế quốc tế?. Tôi tin rằng với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính và các thách thức toàn cầu”, FMM9 sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và trách nhiệm của các thành viên ASEM cùng nhau vượt qua khủng hoảng, ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu và đóng góp tích cực hơn vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

      Thưa Quí bà, Quí ông

      Cũng như các nước khác trong khu vực, Việt Nam đã bị tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã kịp thời thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ và phù hợp, nhờ đó đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống tín dụng, kiểm soát được lạm phát, duy trì được tăng trưởng kinh tế 6,2% trong năm 2008 và 3,1% trong quí I năm 2009, bảo đảm được an sinh xã hội và cuộc sống của người dân, chính trị-xã hội luôn ổn định, dự báo cả năm 2009 tăng trưởng khoảng 5% và sẽ tăng trưởng cao hơn vào những năm sau. Dù trong hoàn cảnh nào và dù khó khăn đến đâu, Việt Nam chúng tôi vẫn quyết tâm đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, và do vậy rất coi trọng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 9. Điều này cũng thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
      Là một trong những nước thành viên sáng lập, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và đóng góp tích cực cho ASEM. Chúng tôi tham gia một cách chủ động và có trách nhiệm trong hợp tác ASEM, không chỉ về đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế, mà cả trong các lĩnh vực khác, nhất là văn hoá, giáo dục và y tế. Đặc biệt, chúng tôi đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM5 và nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng khác, đóng góp nhiều sáng kiến thiết thực cho ASEM. Chúng tôi vui mừng về những thành tựu đạt được trong quan hệ với các nước Á-Âu. Nhiều thành viên hiện là đối tác chiến lược và đối tác hàng đầu về kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục đào tạo của Việt Nam. Với tiềm năng hợp tác to lớn và cơ hội ngày càng rộng mở, chúng tôi tin rằng quan hệ hợp tác của Việt Nam và các thành viên ASEM sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy hợp tác, đối thoại Á – Âu ngày càng sống động, thực chất và hiệu quả.

      Trước khi kết thúc, tôi muốn bày tỏ sự tin tưởng rằng, đứng trước những thách thức to lớn, ASEM có nhu cầu và cơ hội để tăng cường hợp tác nhằm biến những ước mơ tốt đẹp của chúng ta thành hiện thực, vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của 2 châu lục Á-Âu và của toàn thế giới. Các cơ hội đó đang nằm trong tầm tay của các Quí vị.

      Xin chúc các quí vị sức khoẻ và hạnh phúc,

      Chúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á – Âu lần thứ 9 thành công tốt đẹp.

      Xin cảm ơn các Quí vị./.

     (Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2009)

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn