PHÁT BIỂU CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO PHẠM GIA KHIÊM TẠI PHIÊN BẾ MẠC HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ASEM LẦN THỨ 9
Thưa các đồng nghiệp,
Thưa Quý bà, Quý ông,
Chúng ta đã có những cuộc trao đổi rất bổ ích, thẳng thắn, cởi mở và mang tính xây dựng, đề cập những vấn đề quan trọng của tình hình thế giới và khu vực, của hợp tác và tương lai phát triển của ASEM. Tôi chân thành cảm ơn sự tham gia tích cực, và những ý kiến đóng góp quí báu của các đồng nghiệp, nhằm mục tiêu chung là tăng cường hợp tác giữa hai châu lục, xây dựng ASEM ngày càng hiệu quả, thống nhất trong đa dạng.
Tôi chia sẻ nhiều ý kiến của các Trưởng đoàn của Cộng hòa Séc, Ấn Độ và của các quý vị về kết quả và ý nghĩa của Hội nghị FMM 9.
Từ khi ra đời năm 1996 đến nay, có lẽ đây là giai đoạn ASEM đứng trước những cơ hội to lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức gay gắt hơn bao giờ hết. Sự ra đời và tồn tại của ASEM hơn 10 năm qua đã đáp ứng được mong mỏi và quyết tâm của các nước Á – Âu trong việc xây dựng và thúc đẩy quan hệ đối tác thực sự giữa hai châu lục. Tuy nhiên, trước những diễn biến mới trong quan hệ quốc tế và những vấn đề toàn cầu hiện nay, chúng ta cần xem xét một cách nghiêm túc làm thế nào để nâng cao hơn nữa vị thế của ASEM, làm cho ASEM trở thành một diễn đàn có thể đóng góp tích cực hơn cho những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trên các lĩnh vực. Nói cách khác, ASEM cần thể hiện rõ hơn vai trò và sức sống của mình. Hội nghị của chúng ta tuy chưa giải quyết hết được những vấn đề đang đặt ra cho ASEM, còn nhiều vấn đề cần thêm thời gian trao đổi và suy nghĩ mới hy vọng tìm ra giải pháp thoả đáng; song có thể nói rằng thời gian, công sức của chúng ta trong hai ngày qua là không uổng phí.
Chúng ta đã thảo luận và triển khai nhiều kết quả quan trọng của Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 7, đồng thời chuẩn bị tích cực cho Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 8 sắp tới. Tôi xin tổng kết lại một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, chúng ta đã nhất trí cao về sự cần thiết thúc đẩy một cách mạnh mẽ hợp tác kinh tế trong ASEM. Theo đó, chúng ta nhất trí cần sớm triệu tập lại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM và hoan nghênh việc Ấn Độ khả năng đăng cai Hội nghị vào cuối năm 2009. Chúng ta cũng nhất trí cần chuẩn bị tốt nhất cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM tại Tây Ban Nha trong năm 2010. Đây là bước tiến mà chúng tôi cho rằng, sẽ góp phần quan trọng giúp ASEM có vai trò và tiếng nói mạnh mẽ hơn trong tình hình khủng hoảng tài chính – kinh tế hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng khẳng định tiếp tục ủng hộ nỗ lực vượt qua khủng hoảng của cộng đồng quốc tế, ngặn chặn chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy tự do hoá thương mại, đầu tư, thúc đẩy vòng Đôha sớm có tiến triển, đổi mới các thể chế tài chính - tiền tệ quốc tế, cấu trúc lại hệ thống kinh tế, thương mại thế giới sau khủng hoảng.
Thứ hai, chúng ta cũng nhất trí với nhau rằng, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và khó lường, việc tăng cường hơn nữa hợp tác và đối thoại giữa hai châu lục Á, Âu là hết sức cần thiết, và có ý nghĩa quan trọng đối với hoà bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của hai châu lục và thế giới. Chúng ta cùng chia sẻ quan điểm ASEM cần đẩy mạnh hơn nữa đối thoại chính trị thông qua nhiều kênh, nhiều biện pháp đa dạng nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Với ý nghĩa đó, chúng ta hoan nghênh cuộc đối thoại lần đầu tiên cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa Mi-an-ma với EU Troika. Chúng ta cũng thông qua Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 về vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào ngày 25/5/2009.
Thứ ba, chúng ta đều nhất trí rằng, ASEM cần tiếp tục đóng vai trò tích cực, trách nhiệm trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là về vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh hàng hải, chống dịch bệnh, chống khủng bố. Theo tinh thần đó, ASEM sẽ đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị Biến đổi khí hậu của LHQ tại Copenhagen vào tháng 12 năm nay.
Thứ tư, Hội nghị chúng ta đã thông qua nhiều sáng kiến quan trọng và có ý nghĩa thiết thực về các lĩnh vực biến đổi khí hậu, hợp tác phát triển, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển đô thị và nhiều lĩnh vực khác.
Cuối cùng, chúng ta cũng nhất trí với nhau rằng, việc mở rộng ASEM sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ hơn, tăng cường hợp tác và phát triển, và làm cho mối quan hệ đối tác Á –Âu có khả năng tôt hơn trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu hiện nay và trong tương lai. Chúng ta hoan nghênh việc Úc và Nga xin gia nhập ASEM và giao các Quan chức Cao cấp tiếp tục về thủ tục để cả hai nước này có thể chính thức gia nhập ASEM tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM lần thứ 8 tại Bru-xen vào năm 2010.
Trước khi kết thúc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn các đồng nghiệp và các vị đại biểu đã dành thời gian tới Hà Nội tham dự Hội nghị và có những đóng góp hết sức quý báu. Tôi cũng xin cảm ơn các đồng nghiệp của tôi tại nhiều cơ quan, Bộ/ngành và Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cán bộ của Trung tâm hội nghị quốc gia, các phiên dịch, các cán bộ kỹ thuật đã làm việc không mệt mỏi trong nhiều ngày qua để giúp Hội nghị của chúng ta diễn ra suôn sẻ và thuận lợi.
Với những kết quả đạt được, chúng ta hoàn toàn tin tưởng sự hợp tác của ASEM sẽ ngày càng hiệu quả, tương lai hợp tác của ASEM tràn đầy hứa hẹn. Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 9. Xin cảm ơn tất cả các quý vị và hẹn gặp lại tại Cấp cao ASEM 8, Bruc-xen năm 2010./.
(Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2009)
Back Top page Print Email |
Related news: |
|