Bế mạc Hội nghị Cấp cao Không liên kết lần thứ 15
01:06 ngày 17-07-2009
Tại Hội nghị lần này, các nước thành viên NAM đã nhất trí chọn I-ran là nước chủ nhà của NAM-16 vào năm 2012; kết nạp Ác-hen-ti-na và Hội đồng Hòa bình thế giới là thành viên mới trong nhóm các quốc gia và tổ chức quan sát viên, nâng tổng số quan sát viên của NAM lên 16 quốc gia và chín tổ chức quốc tế.
NAM-15 đã nhất trí thông qua Văn kiện cuối cùng, đề cập toàn diện phương hướng phấn đấu giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp hiện nay. Về chính trị, văn kiện khẳng định sự cần thiết phải đề cao vai trò và tính chủ động của NAM trong việc đóng góp cho hòa bình và an ninh thế giới; cam kết kiên trì các nguyên tắc cơ bản của phong trào (các nguyên tắc Băng-đung và các nguyên tắc thông qua tại NAM-14 ở Cu-ba); nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ); bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển; có các hình thức đoàn kết về tinh thần, vật chất với các thành viên NAM bị đe dọa sử dụng vũ lực, xâm lược hoặc là nạn nhân của các hành động gây sức ép đơn phương từ bên ngoài. Về kinh tế - xã hội, bên cạnh các nội dung về cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay, văn kiện đề ra nhiều biện pháp hợp tác cụ thể ở cấp khu vực và toàn cầu qua việc tăng cường nội lực, thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, mở rộng giao lưu xã hội, đối thoại văn hóa, văn minh, tín ngưỡng... Văn kiện khẳng định ủng hộ nhân quyền như những giá trị phổ cập của nhân loại, đồng thời cho rằng không có một mô hình dân chủ duy nhất cho mọi quốc gia, phản đối việc sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền làm công cụ chính trị can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Về NAM, văn kiện đánh giá ba năm qua, vị thế của phong trào đã được nâng cao, có tiếng nói trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, đề ra các cơ chế, cách thức phối hợp cụ thể trong các lĩnh vực nêu trên tại các diễn đàn quốc tế. Hội nghị cũng thông qua các tuyên bố: Tuyên bố Sam En-sếch khẳng định những quan điểm tích cực của NAM đối với những vấn đề lớn hiện nay; Tuyên bố đặc biệt về việc Mỹ cần chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống Cu-ba; Tuyên bố về Pa-le-xtin và Tuyên bố lấy ngày 18-7, ngày sinh của cựu Tổng thống Nam Phi Nen-xơn Man-đê-la, làm Ngày quốc tế Nen-xơn Man-đê-la, do những đóng góp của ông đối với vấn đề chống phân biệt chủng tộc và bảo vệ những giá trị nhân văn.
Sự tham gia của đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu tại NAM-15 thể hiện cam kết ở cấp cao của Việt Nam đối với sự nghiệp chung của NAM. Ðoàn Việt Nam đã tham gia và đóng góp vào những vấn đề hội nghị quan tâm, nội dung của Văn kiện cuối cùng, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm hữu ích của Việt Nam. Ðóng góp của Việt Nam cho hoạt động của phong trào được ghi nhận. Văn kiện cuối cùng đã hoan nghênh Việt Nam, với vai trò Chủ tịch HÐBA LHQ tháng 7-2008, có sáng kiến cải tiến phương thức làm Báo cáo năm của HÐBA và đồng thời cảm ơn các chủ tịch năm 2009 của Hội nghị Giải trừ quân bị (trong đó có Việt Nam) đã thúc đẩy thông qua Chương trình làm việc của diễn đàn giải trừ quân bị đa phương duy nhất này sau nhiều năm bế tắc.
* Ngày 16-7, bên lề Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 15 (NAM-15) tại Sam En-sếch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô và Tổng thống Ai Cập Hô-xni Mu-ba-rắc.
Tại cuộc gặp Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vui mừng gặp lại người đồng chí, anh em thân thiết; đánh giá cao Chính phủ Cu-ba và cá nhân Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô trên cương vị Chủ tịch NAM đã có những đóng góp to lớn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, nâng cao vị thế và tiếng nói của phong trào trong đời sống chính trị quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô đã cùng nhau trao đổi sâu rộng về tình hình kinh tế - xã hội, công tác chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng sắp tới ở mỗi nước, các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo khẳng định, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cu-ba là tài sản vô giá của hai dân tộc và cũng là nguồn cổ vũ lớn lao cho sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước. Vì vậy, việc kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng. Hai bên cần tổ chức nhiều hoạt động sâu rộng, thiết thực để nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cu-ba, qua đó vun đắp cho mối quan hệ ngày càng phát triển. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị, hai nước cần tăng cường trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, các bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội; nâng hợp tác kinh tế - thương mại lên ngang tầm quan hệ chính trị tốt đẹp. Hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương, đặc biệt là trong đấu tranh chống lại các thế lực lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng ở mỗi nước.
Nhân dịp này, qua Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lời thăm hỏi sức khỏe tới đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô; chuyển lời chào thân thiết của các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của nước ta tới đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Cu-ba. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trân trọng mời Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô thăm Việt Nam. Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô chuyển tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lời thăm hỏi thân thiết của đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô. Qua Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô gửi lời thăm hỏi của Chủ tịch Ra-un và đồng chí Phi-đen tới các đồng chí lãnh đạo cấp cao nước ta. Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô cảm ơn lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và trân trọng mời Chủ tịch nước sớm sang thăm Cu-ba.
Gặp Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao những đóng góp của Ai Cập cho thành công của NAM-15. Chủ tịch nước tin tưởng trong những năm tới, với vai trò là nước Chủ tịch NAM, Ai Cập và cá nhân Tổng thống Mu-ba-rắc sẽ nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của phong trào, đẩy mạnh hợp tác với các nước Không liên kết để nâng cao vai trò và vị thế của phong trào trên trường quốc tế.
Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc đánh giá cao sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại NAM-15; khẳng định Ai Cập coi trọng, đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong Phong trào Không liên kết. Tổng thống Ai Cập cũng bày tỏ mong muốn tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Ai Cập với Việt Nam.
* Tối 16-7 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã rời thành phố Sam En-sếch về nước.
Back Top page Print Email |