Quan hệ Việt Nam-New Zealand vào giai đoạn toàn diện
Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Chính phủ và nhân dân New Zealand đối với vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.
Theo Đại sứ Vương Hải Nam, quan hệ Việt Nam-New Zealand trong thời gian qua đã có những bước phát triển rất tốt đẹp, thể hiện qua việc hai nước đã tạo dựng được khuôn khổ hợp tác, tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, kim ngạch buôn bán hai chiều tăng hàng năm, hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, du lịch, văn hóa, an ninh quốc phòng được duy trì và đang từng bước mở rộng sang các lĩnh vực khác như khoa học-công nghệ, lao động, môi trường.
Hai nước đã có sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt mới đây New Zealand đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và ký Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Australia-New Zealand.
Đại sứ Vương Hải Nam cho biết New Zealand hiện là đối tác thương mại thứ 33 của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 31 trong số các đối tác lớn của New Zealand. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng đều hàng năm, từ 187 triệu USD năm 2001 lên 450 triệu USD năm 2008.
Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand gồm đồ gỗ, giày dép, hạt cà phê, đồ may mặc và hàng thủ công, trong khi nhập khẩu của New Zealand các mặt hàng như sữa, thịt cừu, bò, bột chế biến từ ngũ cốc, đồ uống và rượu nho.
Việc Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Australia-New Zealand được ký kết tháng 3 vừa qua đã tạo ra môi trường mới cho hợp tác kinh tế song phương và đa phương trong khu vực. Việc giảm dòng thuế các mặt hàng nhập khẩu và xuất khẩu giữa hai nước xuống 0% trong những năm tới theo lộ trình thỏa thuận cụ thể sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với cả hai bên.
Hai nước đã đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều sẽ đạt 1 tỷ NZD (tương đương 0,7 tỷ USD) và cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Về hợp tác giáo dục-đào tạo, Đại sứ Vương Hải Nam cho rằng đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên mà New Zealand dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện đã có khoảng 280 quan chức Việt Nam tham gia các khóa đào tạo tiếng Anh tại New Zealand theo chương trình ELTO (bằng nguồn vốn ODA của New Zealand) và gần 1.500 sinh viên Việt Nam đang du học tại đất nước này.
Ngoài ra, còn có một số người đang học đại học, cao học theo Chương trình học bổng Chính phủ 322 và Dự án 165. Mặt thuận trong hợp tác giáo dục với New Zealand là môi trường lành mạnh, hệ thống giáo dục cơ bản, ngang tầm nhiều quốc gia nói tiếng Anh trên thế giới.
Để thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực này, hai Bộ Giáo dục của hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm tạo điều kiện tối đa cho các trường đại học hai bên trực tiếp trao đổi hợp tác với nhau. Hiện nay, Đại học Victoria ở Wellington đã có chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh; nhiều giáo viên từ New Zealand đã đến Việt Nam để mở các khóa giảng dạy tùy theo nhu cầu cụ thể của từng ngành.
Phía Việt Nam cũng đã có những bước đi cụ thể như cử nhiều cán bộ sang New Zealand tu nghiệp bằng nguồn ngân sách của nhà nước.
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCully đã khẳng định rằng Chính phủ New Zealand sẽ xem xét tăng nguồn hỗ trợ ODA cho hợp tác giáo dục với Việt Nam trong thời gian tới.
Đại sứ Vương Hải Nam bày tỏ tin tưởng rằng với quyết tâm của Chính phủ hai nước và sự nỗ lực của người dân, trên cơ sở tiềm năng sẵn có của hai bên, hợp tác giáo dục Việt Nam-New Zealand sẽ có bước phát triển mới./.
Back Top page Print Email |