Việt Nam được bầu vào Ủy ban điều phối WIPO
Đây là lần thứ 2 trong lịch sử 26 năm tham gia WIPO, Việt Nam được bầu vào vị trí quan trọng này. Khi tham gia Ủy ban, Việt Nam sẽ có điều kiện tham gia sâu rộng hơn trong quá trình hoạch định hướng phát triển của WIPO theo hướng cân bằng, trong đó có tính đến lợi ích của các nước đang phát triển.
Phát biểu tại phiên họp ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá cao những tiến bộ mà WIPO đạt được trong các vấn đề về sở hữu trí tuệ, phát triển các luật lệ sở hữu trí tuệ quốc tế cân bằng và có thể tiếp cận được, thúc đẩy các hệ thống bảo vệ toàn cầu và hợp lý hóa công tác quản lý và quá trình hành chính trong WIPO.
Thứ trưởng nói, nhận thức rõ vai trò cốt yếu của sở hữu trí tuệ, trong những năm qua, Việt Nam rất chú trọng bảo vệ sở hữu trí tuệ và coi đó như một phần cốt yếu của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-kỹ thuật của đất nước. Quốc hội Việt Nam đã thông qua bộ luật dân sự mới ngày 14/6/2005, sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ mới ngày 29/11/2005 nhằm thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là Hiệp định TRIPS.
Ông Quân cũng đề cập đến những tiến bộ mà Việt Nam nhận được từ sự hợp tác, giúp đỡ và hỗ trợ kỹ thuật của WIPO và hy vọng WIPO có thể hoàn thành sứ mệnh phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế cân bằng và có thể tiếp cận được, trong đó khen thưởng những sáng chế, khuyến khích sáng tạo và đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong khi vẫn bảo vệ lợi ích của cộng đồng.
Đây là lần đầu tiên WIPO triệu tập cuộc họp cấp Bộ trưởng. Có tổng cộng 47 bộ trưởng và thứ trưởng của các nước thành viên tham dự, trong đó đa số là các nước đang phát triển. Cuộc họp tập trung thảo luận và đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới; thông qua các báo cáo của Ủy ban thường trực về Quyền tác giả và các quyền liên quan (SCCR), hoạt động của Ủy ban tư vấn về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động của Ủy ban thường trực về Luật Sáng chế (SCP), báo cáo về các vấn đề về tên miền Internet cũng như về các vấn đề của Liên minh Paris và Liên minh Madrid, Liên minh La Hay, Liên minh Lisbon, Liên minh IPC, và của Liên minh PCT; thông qua các vấn đề về Hiệp ước Luật sáng chế. Cuộc họp cũng đã kiện toàn về mặt tổ chức và nhân sự của WIPO bằng việc bầu 4 phó tổng giám đốc và 3 trợ lý tổng giám đốc.
Bên lề cuộc họp, từ ngày 22 đến 30/9, đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve tham dự các cuộc họp song phương và đa phương như đàm phán song phương với Thụy Sĩ, gặp gỡ và làm việc với Tổng giám đốc WIPO Francis Gury và lãnh đạo các Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, Hàn Quốc, Cơ quan Sáng chế châu Âu và ASEAN./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |