Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông cáo báo chí số 1 về Hội thảo Biển Đông

Trong hai ngày 26-27/11/2009, tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Biển Đông: Tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực.”

Đây là lần đầu tiên một hội thảo quốc tế về Biển Đông được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế. Trong số 150 đại biểu, có 54 đại biểu quốc tế đến từ các trung tâm nghiên cứu có uy tín ở 22 quốc gia bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái lan, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, và các nước khác như Ô-xtrây-li-a, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nauy, Thụy Điển, Canada. Đại diện của một số sứ quán nước ngoài tại Hà Nội cũng tham gia hội thảo.

Đại biểu Việt nam đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, một số Bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn dầu khí quốc gia. . .  
 
Có thể cho rằng đây là một hội thảo quan trọng của những nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông, những học giả nổi tiếng về uy tín khoa học và lập trường khách quan trên lĩnh vực nghiên cứu này. 

Hội thảo này là một diễn đàn hoàn toàn mang tính khoa học với những mục tiêu sau:

- Hình thành mạng lưới các nhà nghiên cứu về Biển Đông để chia sẻ quan điểm, các kết quả nghiên cứu về Biển Đông từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau như khoa học pháp lý, chính trị và quan hệ quốc tế ...

- Chia sẻ các đánh giá, phân tích hệ luỵ đối với hoà bình và an ninh khu vực trước những diễn biến mới đây ở Biển Đông.

- Ở mức cao hơn, đề xuất, kiến nghị việc xây dựng những cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực chức năng và các khả năng giải pháp đối với các tranh chấp ở Biển Đông.

Hội thảo tập trung vào thảo luận 3 cụm nội dung chính:

1. Tầm quan trọng của Biển Đông đối với hoà bình và an ninh khu vực; vị trí của Biển Đông trong chiến lược của các quốc gia liên quan.

2. Nguồn gốc và diễn biến tình hình các tranh chấp hiện nay, được phân tích từ các góc độ pháp lý, chính trị và quan hệ quốc tế; đánh giá về hệ luỵ đối với an ninh và hoà bình khu vực của những diễn biến mới đây trên Biển Đông.

3. Đánh giá về hiệu quả của các cơ chế hiện có trong khu vực nhằm kiềm chế căng thẳng gia tăng và thúc đẩy hợp tác; chia sẻ các mô hình hợp tác hiệu quả; đề xuất các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường lòng tin và đề xuất các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan.

Trong bài phát biểu khai mạc sang 26/11/2009, Giám đốc Học viện Ngoại giao Phó giáo sư, Đại sứ Dương Văn Quảng nhấn mạnh: hoà bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế đương đại; nhưng điều đáng quan tâm là những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa nhiều bên liên quan không hề thuyên giảm ở Biển Đông; những diễn biến gần đây, nhất là các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo đó là những hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp. Trong bối cảnh đó, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như hợp tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân trong khu vực Biển Đông …đòi hỏi các bên liên quan phải cùng nhau hành động và tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của tình hình. Nói cách khác, việc tăng cường hợp tác, tìm kiếm các phương thức giải quyết tranh chấp và xử lý các thách thức để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
 
Ông Dương Văn Quảng nêu rõ: Phương thức thảo luận của Hội thảo này là thẳng thắn, khách quan, xây dựng và cầu thị và ông cũng cho biết các đại biểu “sẵn sàng chia sẻ những kết quả nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông nhằm góp phần nâng cao không chỉ  hiểu biết của giới học giả, mà cả nhận thức của giới hoạch định chính sách và của công chúng  về các vấn đề liên quan đến Biển Đông để từ đó thúc đẩy nỗ lực của các bên trong khu vực với mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông vì lợi ích của mỗi bên liên quan và vì hòa bình, an ninh và phát triển của cả khu vực.”
  
Hai phiên thảo luận đầu tiên trong buổi sáng ngày 26/11 tập trung vào các chủ đề về tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường quốc tế mới. Trong hai phiên này, 12 bài trình bày và tham luận đã được trình bày, cùng với phần trao đổi tự do. 
 
Các đại biểu đều nhất trí với đánh giá rằng Biển Đông có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược an ninh, kinh tế (vận tải và tài nguyên) không chỉ đối với các quốc gia xung quanh vùng biển này mà còn đối với nhiều nước khác ngoài khu vực; do đó, Biển Đông có ý nghĩa lớn đối với sự thịnh vượng, nền hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
 
Tập trung đánh giá tình hình Biển Đông, các học giả cho rằng những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa nhiều bên liên quan đang có xu hướng tăng lên. Các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo đó là những hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình  thêm phức tạp. Xung đột lợi ích quốc gia, lịch sử tranh chấp phức tạp của Biển Đông, cách diễn giải khác nhau về luật Biển 1982, báo cáo về thềm lục địa kéo dài, cạnh tranh giữa các nước lớn, xuất hiện nhiều chủ thể trong vùng Biển Đông, tăng cường lực lượng hải quân, chủ nghĩa dân tộc hướng vào vấn đề chủ quyền là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình hình phát triển phức tạp hơn và việc giải quyết tranh chấp khó khăn hơn.  
 
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy các nước liên quan quan tâm tới giảm căng thẳng và tìm kiếm hợp tác về các lĩnh vực liên quan tới Biển Đông, thể hiện qua việc ASEAN – Trung quốc thông qua DOC (Tuyên bố về hành vi ứng xử), hợp tác nghiên cứu khoa học, cứu nạn. . .

Các đại biểu nhấn mạnh các nỗ lực hợp tác cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, hướng vào các lĩnh vực ngăn ngừa khủng hoảng, xây dựng cơ chế hợp tác, xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực Biển Đông, tăng cường hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm giữa các bên và học tập kinh nghiệm của các khu vực khác. 
 
Chiều nay, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận chủ đề về các diễn biến gần gây trên Biển Đông./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer