Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Biển Đông - Tăng hợp tác vì an ninh và phát triển

VNA 27/11/2009 - Ngày 27/11, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Biển Đông: Tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” do Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã bế mạc tại Hà Nội.

Với 25 tham luận và 4 phiên thảo luận, cung cấp nhiều phân tích và đánh giá khách quan, sâu sắc về các chủ đề liên quan, hội thảo đã góp phần hình thành những nhận thức rõ ràng hơn về vai trò, ý nghĩa lớn của Biển Đông đối với an ninh và phát triển của các nước ven bờ, của khu vực và toàn thế giới. Hội thảo đã định hình một khuôn khổ đối thoại của giới khoa học về Biển Đông.

Tại hội thảo, các học giả cho rằng tranh chấp phức tạp trên Biển Đông có thể giải quyết bằng luật pháp quốc tế vì Luật Quốc tế có các điều khoản và thủ tục cũng như có các cơ chế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Luật biển Quốc tế và Cơ chế trọng tài quốc tế có thể được áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, mặc dù các bên cần phải giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật pháp lý cũng như thu thập bằng chứng lịch sử.

Để đi theo hướng này, các bên có thể tiến hành đàm phán song phương và đa phương và hai tiến trình này cần có tính tương hỗ cao.

Hợp tác cùng khai thác cũng là một hình thức các bên có thể “gác tranh chấp để đi vào hợp tác”. Theo các học giả, đây là một hình thức hợp tác có khả năng áp dụng cho các bên tranh chấp, miễn là các bên nhất trí được một số điểm chính như: khu vực địa lý, lĩnh vực hợp tác, chủ thể hợp tác và cơ chế hợp tác. Những lĩnh vực hợp tác cần ưu tiên tiến hành trước là hợp tác nghề cá, hợp tác xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống và học thuật.

Đặc biệt, các học giả cho rằng trước khi tiến hành đàm phán giải quyết tranh chấp hoặc hợp tác trong khu vực có tranh chấp, cần xây dựng một số điều kiện ban đầu thuận lợi, bao gồm: đồng thuận bên trong từng nước để từ đó các bên có chính sách ổn định và nhất quán; quan hệ tốt và ổn định giữa các bên (song phương và đa phương) trên các mặt để tạo bầu không khí và mối quan hệ hợp tác nói chung và trên Biển Đông nói riêng.

Quá trình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải được gắn với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, Biển Đông phải được gắn với vấn đề an ninh, hòa bình ổn định và thịnh vượng khu vực.

Một số đại biểu còn nhấn mạnh yêu cầu các bên (kể cả các nước ngoài khu vực) tăng tính công khai minh bạch về chiến lược và chi phí quân sự để giúp xây dựng lòng tin. Trước mắt, quá trình xây dựng bộ qui tắc ứng xử (COC) cho Biển Đông cần được tiếp tục, diễn đàn an ninh khu vực (ARF) với các bước về xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột cần được áp dụng vào khu vực Biển Đông.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, những tri thức khoa học mà các đại biểu mang đến hội thảo có giá trị tham khảo tốt cho giới hoạch định chính sách, cũng như công luận và cung cấp một cách nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn, toàn diện hơn đối với tranh chấp ở khu vực này./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer