Việt Nam-Thụy Sĩ tăng cường hợp tác đầu tư thương mại
Đại sứ Hoàng Văn Nhã cho biết thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Sĩ năm 2010 đạt 616 triệu USD và chỉ trong bốn tháng đầu năm nay, con số này đã là 228 triệu USD.
Thụy Sĩ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 18 trên thế giới vào Việt Nam với tổng đầu tư trực tiếp đạt 1,95 triệu USD năm trước và trong bốn tháng đầu năm nay đã đạt 226 triệu USD.
Các doanh nghiệp Thụy Sĩ đã và đang đầu tư 79 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, du lịch, giáo dục và đào tạo...
Một số tập đoàn hàng đầu của Thụy Sĩ đã và đang sản xuất kinh doanh rất thành công tại Việt Nam như Holcim, ABB, Nestle với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 đạt 3,475 tỷ USD.
Ông Adolf Meier, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam, Phòng Thương mại Thụy Sĩ-châu Á khẳng định Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Sĩ do Đại sứ quán Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Việt Nam-châu Á tổ chức, là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên, sự hợp tác đầu tư vẫn chưa tương xứng với khả năng hai nước, đặc biệt đối với Thụy Sĩ là một nước có nhiều tiềm năng về tài chính và công nghệ cao.
Ông Hans R. Schurch, nhà đầu tư Thụy Sĩ thuộc Tập đoàn công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm Buhler tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Theo ông, để đầu tư thành công tại thị trường này, các nhà đầu tư phương Tây cần tìm hiểu văn hóa của người dân Việt Nam.
Ông Lương Mạnh Hùng, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, cho rằng phát triển thương mại giữa hai nước còn hạn chế là do yêu cầu chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Sĩ rất cao, đây cũng chính là một trở ngại lớn cho sản phẩm của các nước có trình độ công nghệ còn khiêm tốn như Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Hùng cho biết do đồng franc của Thụy Sĩ lên giá mạnh, để tăng tính cạnh tranh về giá của các sản phẩm, các doanh nghiệp Thụy Sĩ đang có xu hướng chuyển một phần sản phẩm hay bộ phận dây chuyền sản xuất ra nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á, nơi có những nền kinh tế đang phát triển rất năng động. Do vậy, đây sẽ là một cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước trong thời gian tới./.
Back Top page Print Email |