Không bao giờ quên quê hương, nguồn cội
Bác Vạn thay mặt Hội Thương gia trao tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp
Mỗi người trong số họ lại có những đóng góp riêng vào sự phát triển của quê nhà. Ngày Quốc khánh đến gần, nỗi nhớ lại ùa về và có lúc hòa cùng nước mắt khi nhắc đến hai chữ “Việt Nam”.
Bác Vạn thay mặt Hội Thương gia trao tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp
Trong tâm thức nhiều Việt kiều tại Pháp, ngày 2/9/1945 là ngày hội chung của cả dân tộc Việt Nam và họ không bao giờ lãng quên. Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều người trong số họ đã phải rời bỏ quê hương, tha hương sang nước Pháp, nhưng trong lòng không phút nào nguôi quên Tổ quốc Việt Nam, cùng ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 66 năm trước.
Cùng chung nỗi nhớ về quê nhà, nhiều kiều bào ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến nước Pháp đã tập hợp và thành lập những Hội của người Việt, với mục đích chung tay tìm cách đóng góp cho quê hương. Trong đó đáng chú ý có Hội Thương gia Việt Nam tại Pháp được thành lập đúng 30 năm trước.
Bác Nguyễn Quang Vạn, Tổng Thư ký Hội Thương gia Việt Nam tại Pháp tâm sự: “Sống ở nước Pháp gần 40 năm rồi, nhưng lòng tôi luôn hướng về quê hương. Ngay từ những ngày đầu Tổng khởi nghĩa, chúng tôi đã gia nhập các Hội đoàn để hoạt động. Lúc nào chúng tôi cũng cầu mong cho đất nước hòa bình để có thể về, hoặc hướng dẫn con cháu về thăm quê, đóng góp thực tế vào sự phát triển quê hương đất nước”.
Nhớ về quê nhà, kiều bào rất sát sao dõi theo từng bước phát triển của đất nước. Bác Nguyễn Thị Kim bày tỏ niềm vui trước những đổi thay tích cực của Việt Nam: “Xa quê hương đã 50 năm, nay về thăm quê thấy nhiều đổi thay, tôi rất tự hào. Dịp về nước nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tôi đã kể với bạn bè quốc tế về nòi giống con Rồng, cháu Tiên của mình. Tự hào lắm”.
Tâm trí hướng về cội nguồn, những kiều bào yêu nước có nhiều cách thức khác nhau đóng góp vào sự phát triển của quê hương như: dạy dỗ con cháu luôn nghĩ đến quê cha, đất tổ của ông bà, cha mẹ; quan tâm hỗ trợ những đối tượng còn chịu nhiều thiệt thòi tại quê nhà. Trong đó, phong trào quyên góp giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam nhận được nhiều sự hưởng ứng từ kiều bào ở Pháp. Bà Đặng Sự, một thành viên tích cực tham gia phong trào tâm sự: “Tôi ao ước một ngày nào đó được về tận nơi, mang vật chất, tình cảm, chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân da cam và gia đình. Tôi mong tất cả hãy can đảm vượt lên những đau đớn do di chứng da cam để lại”.
Cùng các nạn nhân chất độc da cam, những người nghèo vượt khó tại Việt Nam cũng là đối tượng nhận được nhiều hỗ trợ đáng quý từ Hội Người về hưu và tự nguyện hợp tác phát triển an sinh (AREBCO) trong hơn 20 năm qua. Chủ tịch Hội AREBCO bà Jeanne Huỳnh cho biết: “Chúng tôi đã kêu gọi hỗ trợ được cho khoảng 100 em sinh viên tại Việt Nam, mỗi em 100 euro/năm. Nhiều em là con nhà nông dân nghèo, vượt khó có thành tích học tập tốt, cần được động viên. Năm nay chúng tôi có dự án cho vay tín dụng nhỏ cho các hộ nông dân, người buôn bán hàng rong nhỏ lẻ để giúp họ làm ăn. Tôi tin nước mình có nhiều tiềm năng phát triển vì người Việt Nam luôn cố gắng, không chờ người khác giúp mà tự mình vươn lên”.
Toàn tâm hướng về cội nguồn, cùng nhiều hành động thiết thực đóng góp cho quê hương, kiều bào tại Pháp cùng bày tỏ mong đợi và tin tưởng vào một tương lai Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững hơn nữa./.
Back Top page Print Email |