Việt Nam dự Hội nghị lần thứ 13 của Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển
Từ ngày 21-26/4/2012, tại thủ đô Đô-ha của Nhà nước Ca-ta, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 13 của Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (Hội nghị UNCTAD 13). Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “Toàn cầu hóa tập trung cho phát triển: Hướng tới tăng trưởng và phát triển toàn diện và bền vững”, Hội nghị UNCTAD 13 đã thu hút sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu là lãnh đạo cấp cao và đại diện chính phủ 194 quốc gia thành viên UNCTAD; lãnh đạo các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế như Nhóm G77 và Trung Quốc, Tổ chức Pháp ngữ , Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng phát triển khu vực, đại diện các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp…
Các cuộc thảo luận tại Hội nghị tập trung vào các nội dung: Những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội; Tăng cường tạo điều kiện cho môi trường kinh tế ở tất cả các cấp độ nhằm hỗ trợ cho phát triển toàn diện và bền vững; Tăng cường các hình thức hợp tác và quan hệ đối tác thương mại và phát triển; Giải quyết các thách thức phát triển còn tồn tại và đang nổi lên và các tác động tới thương mại, phát triển, tài chính, công nghệ, đầu tư và phát triển bền vững; Đẩy mạnh đầu tư, thương mại, doanh nghiệp và các chính sách phát triển để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững vì mục tiêu phát triển toàn diện.
Nhiều phát biểu tại Hội nghị có chung nhận định từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đến nay, kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi bền vững, các thách thức như đói nghèo, chênh lệch khoảng cách phát triển, thất nghiệp, các biện pháp bảo hộ thương mại, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… ngày càng trở nên gay gắt, đe dọa làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong nội bộ từng quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Hội nghị đã thông qua Văn kiện “Sứ mệnh Đô-ha” (Doha Mandate) và Tuyên bố Đô-ha (Doha Manar), nhấn mạnh cam kết của các nước thành viên UNCTAD khai thác các cơ hội từ toàn cầu hóa thương mại và đầu tư quốc tế gắn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, cân bằng và toàn diện với mục tiêu giảm thiểu sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia, xóa nghèo đói, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu và nguyên vọng của người dân. Văn kiện nêu bật sự cần thiết tạo môi trường kinh tế thuận lợi ở mọi cấp độ cho tăng trưởng và phát triển toàn diện, bền vững; nhấn mạnh thương mại quốc tế là động lực của tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội, cần bảo đảm hệ thống thương mại quốc tế cởi mở, công khai, không phân biệt đối xử, cần sớm kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha và cần chống lại mọi hình thức bảo hộ thương mại. Hội nghị nhất trí tăng cường mọi hình thức hợp tác và đối tác thương mại và phát triển cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế, giữa khu vực nhà nước và tư nhân; tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển vào thương mại quốc tế; tăng cường đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và có các chính sách phát triển để bảo đảm tăng trưởng song hành với các cải cách cơ cấu tiến bộ, ứng phó được với các thách thức phát triển như nghèo đói, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu; tăng cường và củng cố các hình thức hợp tác và quan hệ đối tác quốc tế, trong đó hợp tác Nam-Nam bổ sung nhưng không thay thế cho hợp tác Bắc – Nam, cùng với hợp tác ba bên góp phần tích cực vào việc tăng cường chất lượng và hiệu quả của hợp tác quốc tế.
Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của UNCTAD với vai trò cơ quan trung tâm của hệ thống Liên hợp quốc về các vấn đề thương mại và phát triển cùng với các vấn đề liên quan tới tài chính, công nghệ, đầu tư và phát triển bền vững. Hội nghị nhấn mạnh vai trò của UNCTAD trong triển khai các hoạt động trên 3 lĩnh vực chính là nghiên cứu, tư vấn chính sách, xây dựng đồng thuận giữa các nước thành viên và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, trong đó có việc nghiên cứu về mô hình kinh tế xanh và các mô hình kinh tế khác, bảo đảm phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong các phát biểu tại Phiên thảo luận chung và các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, đã nhấn mạnh sự cần thiết tiến hành đồng thời các biện pháp cải cách cơ cấu quản trị kinh tế toàn cầu và tái cấu trúc kinh tế ở cấp độ quốc gia nhằm tạo nền tảng cho phát triển bền vững và toàn diện; kêu gọi xóa bỏ các biện pháp bảo hộ thương mại đang tác động tiêu cực tới sự phục hồi kinh tế thế giới. Trưởng đoàn ta đánh giá cao vai trò của UNCTAD trong các vấn đề thương mại, phát triển và khẳng định cần tăng cường vai trò của UNCTAD trong việc giải quyết các thách thức phát triển, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu và hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc tiếp cận các nguồn vốn, thị trường, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trưởng đoàn ta thông báo về những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên Niên kỷ, đồng thời nêu bật những nỗ lực của Việt Nam nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế hướng tới thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trưởng đoàn ta cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Nam-Nam và giới thiệu kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai mô hình hợp tác ba bên, đặc biệt là các dự án hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và giáo dục với các nước Châu Phi như Ăng-gô-la, Mô-zăm-bích, Bê-nanh…
Nhiều hoạt động đã được tổ chức bên lề Hội nghị UNCTAD 13 như: Diễn đàn đầu tư thế giới lần thứ III, Diễn đàn Dịch vụ toàn cầu lần thứ I, Sự kiện cấp cao về Phụ nữ trong Phát triển… Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Nữ doanh nhân EMPRETEC nhằm tôn vinh những doanh nhân nữ tiêu biểu từ các nước đang phát triển có nhiều đóng góp vào lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động. Chị Nguyễn Thị Thư, chủ doanh nghiệp Sanda Hòa Bình, là một trong 10 doanh nhân nữ của thế giới được UNCTAD trao chứng chỉ doanh nhân nữ tiêu biểu tại Lễ trao giải thưởng này./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |