Đại sứ Lê Hoài Trung: Việt Nam ủng hộ nỗ lực vì mục tiêu giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí
Phát biểu ngày 9/7 tại Hội nghị Liên hợp quốc về Hiệp ước mua bán vũ khí thông thường (ATT) đang diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đại sứ cho biết Việt Nam ủng hộ và tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế hướng tới một cơ chế quốc tế điều chỉnh các hoạt động chuyển giao vũ khí quốc tế như đã được nêu trong Nghị quyết 64/48 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Đại sứ Lê Hoài Trung nêu rõ để có được sự tham gia rộng rãi của các quốc gia, ATT cần phải được thương lượng một cách minh bạch, cởi mở, tính tới quan điểm của tất cả các bên liên quan.
ATT cần mang tính cân bằng, không phân biệt, được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó các nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ. Các nội dung cụ thể của ATT như phạm vi, tiêu chí,… có tương quan chặt chẽ và do đó cần phải được xem xét một cách tổng thể, cân bằng và hợp lý.
Đại sứ Lê Hoài Trung cho rằng về phạm vi điều chỉnh, ATT cần điều chỉnh 7 loại vũ khí hạng nặng được nêu trong cơ chế Đăng ký Vũ khí thông thường của Liên hợp quốc và Súng nhỏ, vũ khí nhẹ.
Không nên đưa nội dung đạn được, các bộ phận và công nghệ vào ATT do đây là những vấn đề rộng, phức tạp và có thể được nhìn nhận, diễn giải theo nhiều góc độ khác nhau, khiến quá trình thực hiện trở nên phức tạp, không thống nhất và có thể tạo gánh nặng không cần thiết hoặc ảnh hưởng tới sự phát triển của các quốc gia.
ATT đồng thời cần xác định rõ các hình thức chuyển giao cần được điều chỉnh do đây là một cơ chế quan trọng để ngăn chặn việc vũ khí lọt vào thị trường bất hợp pháp.
Về tiêu chí, ATT cần đặt ra những tiêu chí khách quan, cân bằng, rõ ràng cho chuyển giao vũ khí quốc tế để đặt ra những chuẩn mực được tất cả các bên chấp nhận. Việt Nam cho rằng việc xem xét chuyển giao vũ khí phải tính tới nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia; trách nhiệm của các quốc gia liên quan theo các cam kết, nghĩa vụ quốc tế, khu vực và tiểu khu vực, trong đó có các quyết định liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; khả năng vũ khí bị sử dụng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh, ổn định quốc tế, khu vực, quốc gia, bị sử dụng để gây ra các hành động khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và các hành động vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền quốc tế, luật nhân đạo quốc tế có liên quan; không chuyển giao cho các chủ thể phi nhà nước không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép để hạn chế khả năng vũ khí rơi vào tay người sử dụng bất hợp pháp, đồng thời việc xem xét chuyển giao cần tính tới hậu quả tiềm năng của việc từ chối chuyển giao, nhất là ảnh hưởng đối với quyền của các quốc gia trong việc tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thực hiện quyền tự vệ và đảm bảo các nhu cầu an ninh chính đáng.
Về tổ chức thực hiện, ATT cần đưa ra những định hướng chung cho khuôn khổ, cơ chế thực hiện của mỗi quốc gia, tính tới năng lực khác nhau của các quốc gia trong việc triển khai hệ thống thực hiện ATT.
ATT cần có các điều khoản về cơ chế minh bạch, trong đó có quy định về nghĩa vụ báo cáo của các quốc gia thành viên, được xây dựng phù hợp với mục tiêu chủ đạo của Hiệp ước là ngăn chặn chuyển giao bất hợp pháp vũ khí thông thường, đảm bảo sự cân bằng giữa nhu cầu minh bạch hóa và các quan tâm chính đáng về an ninh của các quốc gia.
Kết thúc bài phát biểu, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tham gia, đóng góp một cách tích cực và xây dựng, cùng các quốc gia phấn đấu cho một văn kiện pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc nhằm hạn chế các hậu quả của tình trạng chuyển giao vũ khí thông thường bất hợp pháp./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |