Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Van Rôm-pơi
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Hơ-man Van Rôm-pơi (Ảnh: Mạnh Hùng/CPV)
Ngày 31/10/2012, sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Hơ-man Van Rôm-pơi. Tham dự hội đàm, về phía Việt Nam có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh Châu Âu (EU) Phạm Sanh Châu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo một số Bộ ngành liên quan. Về phía EU có Đại sứ Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Phờ-ranh Giét-sen, Cố vấn Trưởng về Đối ngoại của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Phê-đờ-rô Sê-ra-nô, Tổng Vụ trưởng Châu Á – Thái Bình Dương, Cơ quan Hành động đối ngoại EU Vi-ô-ren Ít-ti-xi-ô-ai-a Bu-đu-ra, Ủy Viên Nội các của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Xem Pha-bơ-ri-di và một số quan chức cấp cao của EU.
Tại hội đàm, trong không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Hơ - man Van Rôm-pơi và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi bên, kiểm điểm quan hệ Việt Nam – EU thời gian qua và bàn về các biện pháp và phương hướng lớn nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam – EU trong thời gian tới. Hai bên cũng trao đổi ý kiến về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu kể từ khi Hiệp ước Lít-xờ bon có hiệu lực. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo cho Chủ tịch Hội đồng Châu Âu về những thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và chính sách đối ngoại của Việt Nam; cảm ơn những tình cảm tốt đẹp và sự giúp đỡ quý báu mà EU và các nước thành viên đã dành cho Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Van Rôm-pơi bày tỏ vui mừng được thăm chính thức Việt Nam, cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và tình cảm tốt đẹp mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đoàn; đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, vượt qua những khó khăn trước mắt về kinh tế, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư và doanh nghiệp EU.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Van Rôm-pơi (Ảnh: Mạnh Hùng/CPV)
Hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển nhanh chóng và tích cực của quan hệ song phương trên cả ba trụ cột kinh tế - thương mại, chính trị và hợp tác phát triển trong thời gian qua. EU hiện là một trong những bạn hàng, đối tác đầu tư và nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU trong ASEAN. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2011 đạt trên 24 tỷ đô-la trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thể hiện xu hướng tích cực và tiềm năng to lớn cần được tiếp tục khai thác. Việc hai bên ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và đàm phán vòng 1 Hiệp định tự do thương mại (FTA) là những bước đi cụ thể, quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và EU cùng với các nước thành viên theo hướng đối tác bình đẳng và hợp tác toàn diện vì mục tiêu phát triển.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh lâu dài tại thị trường của nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải, năng lượng, tài chính, y tế, du lịch và dịch vụ. EU cam kết hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy đàm phán để hai bên có thể sớm hoàn tất và ký kết Hiệp định FTA Việt Nam – EU; thúc đẩy việc sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Việt Nam đề nghị EU tiếp tục duy trì quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đầy đủ cho Việt Nam trong giai đoạn 2013 – 2015 và ưu tiên thúc đẩy sớm thực hiện thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA).
Việt Nam cảm ơn EU và các nước thành viên đã cung cấp viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả các chương trình ODA giai đoạn 2011 - 2013 và xác định ưu tiên hợp tác trong giai đoạn 2014 – 2020 trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác chuyên ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tư pháp, văn hóa - du lịch, thông tin - truyền thông, giao thông và xây dựng với những cam kết hỗ trợ kỹ thuật cụ thể của EU dành cho Việt Nam.
Hai bên nhất trí tăng cường đối thoại và hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc, Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM) và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU. Việt Nam hoan nghênh đóng góp của EU đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tham gia các sáng kiến hợp tác tiểu vùng và cam kết của EU đóng vai trò tích cực và xây dựng trong cấu trúc khu vực đang định hình với ASEAN làm nòng cốt tại Đông Á. Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN – EU nhiệm kỳ 2012-2015, Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy tăng cường quan hệ ASEAN – EU.
Hai bên ủng hộ nỗ lực xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị; nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Nhân dịp này, hai bên đã ký Hợp đồng tài trợ biến đổi khí hậu năm 2012 trị giá 150 triệu Euro do Ngân hàng Đầu tư Châu Âu tài trợ và Tuyên bố về việc ký Hiệp định tài chính của “Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EUMUTRAP).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Hơ - man Van Rôm -pơi sẽ có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Van Rôm-pơi sẽ viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận bằng Tiến sĩ danh dự và phát biểu trước sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu, thăm thành phố Hồ Chí Minh và một số di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |