Chủ tịch Quốc hội kết thúc thăm Thái Lan, Nhật Bản
Trả lời phóng vấn nhóm phóng viên báo chí tháp tùng Đoàn về những kết quả nổi bật của chuyến thăm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trần Văn Hằng nêu rõ, thành công từ chuyến thăm Vương quốc Thái lan và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn là dấu ấn nổi bật trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2012.
Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết Việt Nam và Thái Lan đều là các quốc gia trong khối ASEAN và cùng đang tiến tới mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Việt Nam cũng đang là một thành viên hết sức tích cực đóng góp vào sự phát triển của AIPA, ASEAN. Vì vậy chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội cũng nhằm tạo thêm niềm tin, làm cơ sở tăng cường các hoạt động trao đổi, phối hợp, tạo sự đồng thuận giữa Quốc hội Việt Nam-Thái Lan nói riêng, AIPA nói chung hướng tới mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới Thái Lan đã được được đón tiếp trọng thị, chân thành, cởi mở và hợp tác mà nổi bật là Lễ đón Chính thức tại Trụ sở Thượng viện với một rừng cờ hoa Thái-Việt. Tại các buổi tiếp xúc, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng, tập trung vào nội dung xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan. Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai Quốc hội, chuyến thăm cũng còn nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai Chính phủ hai nước; tạo tiền đề cho việc nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược.
Phía Thái Lan cũng đề xuất và Đoàn cũng đã nhất trí cao việc đẩy mạnh hợp hướng đến mục tiêu hình thành trung tâm sản xuất lúa gạo của thế giới. Hai bên cũng đã thống nhất xúc tiến kết nối giao thông bốn nước Thái Lan-Campuchia-Việt Nam-Lào nhằm mở rộng không gian liên kết trong khối ASEAN; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Lãnh đạo Cấp cao hai nước cũng đã đi đến nhất trí và đồng thuận cao trong một số vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Thái Lan khẳng định, với vai trò điều phối viên của khối ASEAN với Trung Quốc, sẽ làm hết sức mình để các bên thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới sớm ký kết COC về vấn đề Biển Đông.
Chuyến thăm cũng là dịp để Quốc hội và nhân dân cả nước nắm vững tình hình cộng đồng người Việt tại Thái Lan và vui mừng vì Quốc hội, Chính phủ Thái Lan đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con Việt kiều làm ăn, sinh sống ổn định.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thái Lan, đồng thời phát huy hiệu quả vai trò cầu nối hữu nghị giữa hai nước; tiếp nối truyền thống hữu nghị, hợp tác mà Chủ tịch Hồ Chi Minh đã đặt nền móng khi Người sang công tác và hoạt động tại vùng Đông Bắc Thái Lan, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định.
Tăng cường tình hữu nghị, hợp tác hiệu quả Việt Nam-Nhật Bản
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được đánh giá là sự kiện phía bạn trông đợi đã lâu. Mặc dù diễn ra trong bối cảnh có những biến động, khó khăn của tình hình đất nước, nhưng Nhật Bản vẫn dành cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn sự đón tiếp rất thân tình, hữu nghị và giàu tình cảm đặc biệt.
Tại các cuộc đón tiếp, hội đàm, hội kiến, gặp gỡ Nhật Hoàng, phía Nhật Bản đều khẳng định, dù tình hình chính trị của Nhật Bản có thể biến động nhưng Nhật Bản vẫn kiên định chính sách mở rộng hợp tác với Việt Nam và thể hện quyết tâm rất cao để duy trì và nâng cao hiệu quả mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Năm 2013, hai nước sẽ phối hợp tổ chức Năm Hữu nghị Việt-Nhật, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên đều khẳng định, mối quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như thời điểm hiện nay và trách nhiệm của mỗi bên là tiếp tục đẩy mạnh nâng cao quan hệ hợp tác với tư cách đối tác chiến lược lên tầm cao mới.
Trong hợp tác kinh tế-thương mại, chuyến thăm lần này cũng khẳng định việc hai bên tiếp tục nỗ lực thực hiện các dự án lớn về phát triển hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao mà phía bạn đã cam kết triển khai và đặc biệt vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ ODA ở mức cao cho Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho biết.
Một nội dung nữa mà Lãnh đạo hai nước trao đổi và có cùng quan điểm là chủ trương giải quyết những vấn đề liên quan đến Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua tuân thủ nguyên tắc của Luật biển năm 1982 và DOC nhằm duy trì và giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Ngoại giao nghị viện ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm
Đánh giá tổng thể hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng khẳng định, diễn ra vào dịp kết thúc năm, thành công từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Thái Lan và Nhật Bản đã khẳng định Chương trình đối ngoại Quốc hội năm nay đã đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.
Công tác ngoại giao nghị viện đã ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm, tạo sức lan tỏa lớn, hỗ trợ hoạt động của Chính phủ, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân; góp phần đảm bảo hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng cũng nhấn mạnh, năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động đối ngoại. Bởi thế, trong mọi hoạt động đối ngoại của Quốc hội đều được thực hiện lồng ghép bởi sự kết nối giữa các Nhóm nghĩ sỹ hữu nghị.
Quốc hội cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi và thúc đẩy vai trò, chức năng của các Nhóm nghị sỹ hữu nghị. Thông qua các hoạt động ngoại giao nghị viện, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa người dân Việt Nam với bạn bè quôc tế; đồng thời không ngừng nâng cao vai trò, vị thế quốc gia trên trường quốc tế./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |