Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ hỏa táng Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Hun Sen. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Ngô Anh Dũng và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.
Trong cuộc hội kiến Thủ tướng Hoàng gia Campuchia Hun Sen sáng ngày 4/2 tại Cung Hòa Bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa chuyển lời chia buồn sâu sắc nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tới Hoàng gia, Chính phủ, các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia về sự qua đời của Thái Thượng hoàng Campuchia Norodom Sihanouk.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk, người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Đây là tổn thất lớn lao đối với đất nước và nhân dân Campuchia. Việt Nam mất đi một người bạn lớn thân thiết đã từng gắn bó với nhân dân Việt Nam trong những năm tháng khó khăn, gian khổ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ và những đóng góp vô cùng quý báu của Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của Việt Nam và sẽ làm hết sức mình cùng với Quốc vương Norodom Sihamoni, các vị lãnh đạo và nhân dân Campuchia tiếp tục tăng cường tình đoàn kết, giữ gìn và phát huy truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk và các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Campuchia Hun Sen chân thành cảm ơn Việt Nam đã cử Đoàn đại biểu cấp cao sang dự Lễ hỏa táng Thái Thượng hoàng Campuchia Norodom Sihanouk, thể hiện tình cảm gắn bó, thân thiết, mối quan hệ truyền thống đoàn kết hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc.
Hai Thủ tướng đánh giá cao sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam–Campuchia trong thời gian qua, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước; hai bên cũng đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng trong “Năm Hữu nghị Việt Nam–Campuchia 2012” và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi một số nội dung hợp tác và các biện pháp nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn cấp cao Việt Nam rời Phnom Penh về nước.
Tiểu sử Thái Thượng hoàng Campuchia Norodom Sihanouk Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk sinh ngày 31/10/1922 tại Phnom Penh. Từ năm 1930-1940, theo học Trường tiểu học Francois Baudoin, Trường trung học Prẹ Xi-xô-vát (Phnom Penh), Trường trung học Chasseloup Laubat (Sài Gòn). Tháng 4/1941, được Hội đồng ngôi Vua bầu làm Quốc vương Campuchia và chính thức đăng quang ngày 28/10/1941. Từ năm 1946-1948, theo học Cao học tại Trường huấn luyện kỵ binh và sư đoàn thiết giáp tại Pháp. Năm 1949, yêu cầu Pháp chấm dứt Hiệp ước bảo hộ năm 1863 và 1884. Cũng trong năm 1949, đại diện Campuchia ký Hiệp ước độc lập, Hiệp ước này chính thức xóa bỏ Hiệp ước bảo hộ năm 1863 và 1884. Từ năm 1952-1953, hoàn thành sứ mệnh đòi độc lập hoàn toàn cho Campuchia. Tháng 3/1955, ông thoái vị và sau đó thành lập Cộng đồng xã hội bình dân, trở thành Thủ tướng sau cuộc bầu cử Hiến pháp vào tháng 9/1955. Cũng trong năm 1955, Campuchia đã gia nhập Liên Hợp Quốc. Dưới sự lãnh đạo của ông và với những thành tựu được xây dựng trong thời kỳ Cộng đồng xã hội bình dân, ông đã được nhân dân Campuchia tôn vinh là “Vị cha của nền độc lập dân tộc, giáo dục, y tế, thể thao”, “Vị cha sáng lập dân tộc”. Tháng 4/1955, đại diện cho Campuchia tham dự Hội nghị cấp cao Á-Phi lần thứ nhất (Bandung, Indonesia). Tại Hội nghị này, ông tuyên bố chính sách trung lập, chung sống hòa bình của Campuchia. Năm 1956, tham gia ký Hiến chương Phong trào Không liên kết tại Brioni (Nam Tư) và trở thành người sáng lập thứ 5 của Phong trào này. Năm 1960, sau khi Vua Suramarit băng hà, ông được Quốc hội bầu làm Quốc trưởng. Tháng 9/1960, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông đề xuất thiết lập khu vực Đông Nam Á thành khu vực trung lập giữa hai khối cường quốc. Tháng 11/1961, ông tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 1 Phong trào không liên kết tại Belgrade (Nam Tư). Tại Hội nghị này, ông đã lên án hành động của thực dân, đế quốc và phân biệt chủng tộc. Ngày 18/3/1970, Lon Non, Sirik Matak làm đảo chính lật đổ Quốc vương Norodom Sihanouk. Ngày 23/3/1970, ông trở thành Chủ tịch Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia (FUNC) đồng thời thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc Campuchia (GRUNK). Tháng 4/1970, tham gia Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương tại Quảng Đông, Trung Quốc. Sau chiến thắng tháng 4/1975, ông trở thành Chủ tịch Nhà nước Campuchia dân chủ. Đến tháng 4/1976, tự nguyện từ chức Chủ tịch Nhà nước Campuchia dân chủ. Năm 1982, được bầu chọn là Chủ tịch Nhà nước Campuchia dân chủ lần thứ 2. Từ năm 1982-1990, Chủ tịch Phong trào kháng chiến dân tộc Campuchia (CNR). Tháng 6/1991, được cử làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tối cao (SNC) của 4 phái Campuchia. Ngày 23/10/1991, tại Paris, tham gia ký “Hiệp định về giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột ở Campuchia” với đại diện Chính phủ 18 nước và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Từ tháng 11/1991, trở về Phnom Penh và được 4 phái Campuchia tuyên bố là Quốc trưởng Campuchia. Tháng 9/1993, được Hội đồng ngôi Vua bầu là Quốc vương và là người đứng đầu suốt đời Nhà nước Campuchia. Ngày 24/10/1993, ký sắc lệnh ban bố Hiến pháp mới của Vương quốc Campuchia. Tháng 10/2004: Tuyên bố thoái vị vì lý do sức khỏe. Ngày 15/10/2012 băng hà tại Bắc Kinh (Trung Quốc). |
Nguyễn Hoàng - Nhật Bắc
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |