Đây là lần đầu tiên một sự kiện có quy mô lớn về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi được tổ chức tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng “là một trong những sự kiện kinh tế đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2013, diễn đàn thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Bắc Phi vì sự phát triển và thịnh vượng chung”, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.
Trung Đông - Bắc Phi là khu vực rộng lớn, trải dài từ Iran, qua Vịnh Ba Tư, bán đảo Arập, kênh đào Suez, bờ Đông Địa Trung Hải, tới Tây Bắc Phi và bờ Nam Địa Trung Hai, nằm giữa ba châu lục Á - Âu - Phi. Đây là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, nhất là về dầu lửa và khí đốt (chiếm 60% trữ lượng dầu thế giới; 45% trữ lượng khí đốt thế giới). Khu vực này còn là một thị trường lớn với hơn 520 triệu dân, nhiều nước có tiềm năng về kinh tế, nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, có nhu cầu hàng hóa đa dạng và phù hợp với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.
Qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm của lịch sử, mặc dù cách xa nhau về địa lý, song Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống. Với nền tảng vững chắc đó, quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi thời gian gần đây đã có nhiều phát triển đáng ghi nhận.
Trong suốt những năm qua, chia sẻ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và phát triển, nhân dân Việt Nam và nhân dân các quốc gia trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã luôn gắn bó chặt chẽ, dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp đó, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao. Kết quả của các chuyến thăm trên đã góp phần quan trọng vào việc định hình khuôn khổ, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Bắc Phi.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết với các nước trong khu vực này, 12 cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại khu vực và 15 nước khu vực có cơ quan đại diện tại Việt Nam. Quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi trên lĩnh vực chính trị đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, lao động... giữa hai bên.
Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi đạt 7,4 tỷ USD (tăng 87% so với 10 năm trước), trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm.
Đầu tư là một lĩnh vực rất nhiều điểm sáng với những dự án lớn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Trung Đông như tại khu Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Kuwait), Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Qatar), Khách sạn Hạ Long Star, Cảng container Hiệp Phước tại Thành phố Hồ Chí Minh (UAE)...
Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai các dự án đầu tư ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi trong đó đáng chú ý có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Algieria. Hiện Việt Nam đang có khoảng 26.000 lao động làm việc tại nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực này.
Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu, chính sách, cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh của Việt Nam với các đối tác ở khu vực này. Đây là dịp để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Đông - Bắc Phi gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi ý kiến về phương hướng, biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác, xúc tiến các dự án, thỏa thuận hợp tác... qua đó tạo xung lực mới cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt của Việt Nam với các nước trong khu vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Bên cạnh đó, diễn đàn cũng nhằm giới thiệu với các nước Trung Đông - Bắc Phi về chính sách kinh tế và các cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời giúp các Bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu chính sách kinh doanh, đầu tư, lao động... của các đối tác tại khu vực, góp phần nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế với các nước Trung Đông - Bắc Phi.
Các doanh nghiệp hai bên cũng có cơ hội tiếp xúc, thiết lập các quan hệ đối tác cũng như ký kết các thỏa thuận, hợp tác kinh doanh cụ thể.