Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế về chống bạo lực trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em trong xung đột vũ trang
Phát biểu của Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các Đại diện Đặc biệt, các cơ quan Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong việc ngăn ngừa, xoá bỏ bạo lực đối với trẻ em và bảo vệ quyền của trẻ em trong xung đột vũ trang. Việt Nam khẳng định để góp phần bảo vệ quyền trẻ em trong xung đột, cần thúc đẩy hợp tác, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật giữa các bên liên quan như chính phủ, các tổ chức khu vực và quốc tế, các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, các chiến lược, biện pháp ngăn ngừa có ý nghĩa quan trọng do một phần giúp hạn chế xung đột – cội nguồn của các vi phạm quyền trẻ em trong chiến tranh; mặt khác giúp giảm thiểu tác động của xung đột đối với trẻ em.
Đoàn Việt Nam cũng cho rằng bạo lực và việc đối xử tàn bạo đối với trẻ em phải bị trừng trị thích đáng. Chính phủ các nước cần quan tâm và tiếp tục cải cách hệ thống pháp luật, xây dựng các chương trình hành động và chính sách với nhiều ưu tiên hơn về bảo vệ trẻ em. Tham luận cũng chia sẻ một số kinh nghiệm, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền trẻ em cũng như các cam kết cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề này.
Phiên đối thoại với các Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc ngày 13/3 là một trong nhiều hoạt động chính thức và bên lề về quyền trẻ em tại Khóa 25 của Hội đồng Nhân quyền, như các Phiên làm việc thường niên về quyền trẻ em, Phiên đối thoại về chủ đề chống buôn bán trẻ em, mại dâm và khiêu dâm trẻ em. Dự kiến Khóa 25 sẽ thảo luận, thông qua một số văn kiện về quyền trẻ em, trong đó có Nghị quyết về quyền tiếp cận pháp lý của trẻ em.
Từ trước tới nay, tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam luôn tham gia đóng góp vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm quyền trẻ em nói chung, chống bạo lực trẻ em và bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang nói riêng. Năm 2009, Việt Nam là một trong những nước chủ trì thương lượng Nghị quyết về trẻ em trong xung đột vũ trang được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |