Việt Nam ủng hộ đối thoại chân thành và hợp tác xây dựng tại Hội đồng Nhân quyền liên quan đến Myanmar, Iran và CHDCND Triều Tiên
Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Văn phòng Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thuỵ Sỹ đã có phát biểu đóng góp tại phiên thảo luận về Myanmar.
Chia sẻ với ý kiến của các nước ASEAN, Đại sứ Nguyễn Trung Thành hoan nghênh nỗ lực và cam kết của Myanmar về cải cách kinh tế - chính trị, dân chủ hoá, hoà giải dân tộc và tiếp tục tăng cường bảo đảm và thúc đẩy các quyền của người dân. Việt Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng Nhân quyền nói riêng, hệ thống Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế nói chung trong việc hỗ trợ Myanmar trong giai đoạn lịch sử này.
Việt Nam nhấn mạnh rằng, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hợp tác với Myanmar trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập của Myanmar, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và tiến hành đối thoại xây dựng và hợp tác chân thành nhằm củng cố và phát huy các thành tựu mà nước này đã đạt được trong tiến trình dân chủ hoá, hoà giải dân tộc, phát triển kinh tế, bảo đảm quyền của người dân, đặc biệt là của những nhóm xã hội yếu thế.
Phát biểu của Đại sứ Nguyễn Trung Thành bày tỏ tin tưởng Myanmar đang có những bước đi đúng đắn hướng tới hoà bình, an ninh và thịnh vượng. Đại sứ khẳng định thiện chí và nỗ lực của Việt Nam hỗ trợ Myanmar nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy bảo vệ các quyền của người dân, và Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình về tái thiết đất nước, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế và khu vực.
Ngoài tình hình quyền con người tại Myanmar, ngày 17/3, Hội đồng Nhân quyền cũng tiến hành các phiên thảo luận về tình hình Iran và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Tại Phiên đối thoại với Uỷ ban Điều tra về tình hình quyền con người tại CHDCND Triều Tiên, đại diện Việt Nam đã nhấn mạnh các bên liên quan cần kiên trì đối thoại xây dựng, hợp tác chân thành để tìm giải pháp lâu dài phù hợp nhằm cải thiện tình hình tại thực địa nói riêng và các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên nói chung. Phát biểu của Việt Nam cũng cho rằng ưu tiên trước mắt cần tập trung vào các giải quyết vấn đề nhân đạo, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lương thực, tiếp cận giáo dục và y tế của người dân, nhất là của phụ nữ và trẻ em, và vấn đề bắt cóc.
Trong phát biểu tại phiên đối thoại với Báo cáo viên Đặc biệt về tình hình quyền con người tại Iran, đại diện Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực, cam kết của Chính phủ mới tại Iran, cho rằng những thoả thuận đáng khích lệ gần đây về Chương trình năng lượng của nước này với các bên liên quan hứa hẹn mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa Iran và thế giới, góp phần tăng cường an ninh, hoà bình trong khu vực. Việt Nam hoan nghênh các cam kết nghiêm túc của Iran và tỏ hy vọng Iran và các bên sẽ tiếp tục đà trong các hợp tác gần đây nhằm củng cố và mở rộng các thành tựu đã đạt được.
Tại Khoá 25 của Hội đồng Nhân quyền, nhiều vấn đề quan trọng khác được cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm trong đó có các chủ đề liên quan đến quyền của người di cư, quyền trẻ em, quyền của các nhóm thiểu số, quyền con người trong phát triển bền vững hậu 2015.
Dự kiến Hội đồng Nhân quyền sẽ tiếp tục thảo luận và thương lượng các dự thảo Nghị quyết liên quan đến tình hình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người tại một số nước trước khi bế mạc vào ngày 28/3/2014./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |