Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu về Tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân, các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế (Ảnh: Vietnam +)

 Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân là sự kiện quốc tế lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông trên toàn thế giới, không chỉ vì sự xuất hiện của nhiều vị nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các cường quốc mà vấn đề an ninh, an toàn hạt nhân luôn là tâm điểm chú ý của nhân loại.

Đây là diễn đàn cấp cao, tập hợp và tăng cường ý chí chính trị cũng như thiện chí hợp tác trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham dự tất cả bảy phiên họp toàn thể, đồng thời đề xuất 8/15 sáng kiến đưa ra tại hội nghị liên quan đến vấn đề an ninh thông tin hạt nhân, thiết lập các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân...

Ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cùng những đánh giá, nhận định sâu sắc của Thủ tướng Việt Nam nhận được sự hoan nghênh, chia sẻ và tán đồng của các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị, nhất là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là IAEA và Liên hợp quốc trước những thách thức đối với mục tiêu chung của nhân loại là đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có chương trình, giải pháp cụ thể và phù hợp để hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực này. Đề xuất này của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với nhu cầu, lợi ích trong quá trình phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Tranh thủ từng giờ, từng phút, xen kẽ giữa các phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ động gặp gỡ, trao đổi tới với nguyên thủ các nước về các vấn đề hợp tác song phương, các vấn đề mang tính liên kết khu vực trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng, xây dựng, hợp tác cùng phát triển.

Liên tục trong hai ngày diễn ra Hội nghị, xen kẽ cả trong thời gian nghỉ giải lao giữa các phiên họp và cả vào buổi tối, người đứng đầu Chính phủ đã tiến hành tới 20 cuộc tiếp xúc song phương với hầu hết lãnh đạo các quốc gia lớn là đối tác với Việt Nam như Tổng thống Hoa Kỳ Obama; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long… và lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso…

Các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị không chỉ góp phần thắt chặt sự hiểu biết, tin cậy chính trị mà còn thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm và các vấn đề thời sự đang nổi lên đối với lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế.

Mặc dù bộn bề công việc tổ chức hội nghị quốc tế lớn nhưng Hà Lan vẫn dành sự quan tâm đặc biệt, tiếp đón thân tình, chu đáo các hoạt động của Đoàn cấp cao Việt Nam.

Vừa rời phiên họp bế mạc Hội nghị, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tiến hành ngay cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trong năm lĩnh vực ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; nông nghiệp; năng lượng và dầu khí; cảng biển và dịch vụ hậu cần.

Hai Thủ tướng thống nhất chỉ đạo Chính phủ hai nước tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực như dầu khí, đóng tàu, nông nghiệp… Chính phủ hai nước quyết tâm sớm kết thúc đàm phán, tiến tới ký kết “Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực.”

Tiếp nối thành công Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai diễn ra tại Hàn Quốc năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị lần này một lần nữa ghi dấu ấn sâu đậm với cộng đồng quốc tế về Việt Nam - một thành viên có trách nhiệm, chủ động và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm giảm nguy cơ đối với an ninh và an toàn hạt nhân.

Sự hiện diện và dấu ấn trong các cuộc gặp song phương của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã góp phần nâng cao vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước đối tác, mang lại lợi ích thiết thực trong tiến trình hội nhập của đất nước.

Tầm cao mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Cuba

Trong thời gian thăm chính thức Cuba từ 26-27/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Cuba đã trao đổi các biện pháp lớn nhằm tiếp tục củng cố quan hệ bạn bè truyền thống đặc biệt Việt Nam-Cuba; nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại... đưa quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Trong hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro Ruz, hai bên khẳng định quyết tâm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đoàn kết anh em, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Cuba, phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước.

Hai bên đã trao đổi và thống nhất phương hướng lớn và các biện pháp tăng cường quan hệ Việt Nam-Cuba trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực hai nước có tiềm năng và thế mạnh để bổ sung cho nhau như thương mại, nông nghiệp, điện tử-viễn thông, năng lượng, y tế, công nghệ sinh học-dược phẩm, xây dựng, du lịch, giáo dục và đào tạo.

Trong các buổi làm việc với các nhà lãnh đạo Cuba, hai đã trao đổi về tình hình các lĩnh vực hợp tác song phương giữa Việt Nam và Cuba và thảo luận một số biện pháp để đưa quan hệ hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tham khảo và hợp tác chặt chẽ giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước. Đồng thời tập trung đánh giá quan hệ hợp tác kinh tế, coi đây là nội dung quan trọng cần được Chính phủ hai nước đặt trọng tâm thúc đẩy để phát triển tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng của hai bên.

Tạo bước đột phát trong hợp tác kinh tế Việt Nam-Haiti

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống Haiti Michel Martelly, Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Thượng viện Haiti Simon Dieuseul Desras, Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hạ viện Jacques Stevenson Thimoléon và hội đàm với Thủ tướng Laurent Lamothe.

Ngay sau Lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Haiti Michel Martelly, hai bên đều thống nhất nhận định bên cạnh việc củng cố quan hệ chính trị, cần đưa quan hệ kinh tế, văn hóa phát triển tương xứng với tiềm năng hợp tác và mong muốn của cả hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Michel Martelly thống nhất cho rằng trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh và phức tạp hiện nay, hai nước cần tăng cường tham vấn, phối hợp quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương.

Hai nước sẽ cùng hỗ trợ lẫn nhau phát triển quan hệ của Haiti với khu vực Đông Á và của Việt Nam với khu vực Mỹ Latinh-Caribê.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Laurent Salvador Lamothe đã trao đổi và thống nhất các biện pháp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới thông qua tăng cường trao đổi đoàn các cấp và sự hiện diện ngoại giao ở hai nước; thúc đẩy sớm thành lập cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về Thương mại và Đầu tư giữa hai nước; phát triển và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như viễn thông, nông nghiệp, dược phẩm, an ninh lương thực, năng lượng, xây dựng, thương mại...

Hai bên cam kết khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác, kinh doanh, đầu tư của các tổ chức và doanh nghiệp hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Trong chuyến thăm chính thức Haiti, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Laurent Salvador Lamothe đã ký Tuyên bố chung cấp cao Việt Nam-Haiti và chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác về năng lượng giữa hai nước./.