Diễn đàn khu vực về hợp tác kinh tế Pháp ngữ (Ảnh: Thế giới & Việt Nam)
Các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn đều xuất phát từ tình hình và kinh nghiệm thực tế của các nước. Bắt đầu với các bài tham luận về mô hình hợp tác phát triển kinh tế trong OIF, ông Cheikh Tidiane DIEYE, Chuyên gia tư vấn quốc tế, Trung tâm Thương mại, Hội nhập và phát triển châu Phi (Senegal) đã chỉ ra thực trạng mô hình hợp tác ba bên hiện nay trong OIF còn chưa được phổ biến rộng rãi, sự hợp tác còn tản mạn, chưa có định nghĩa chung về mô hình này. Xuất phát từ thực tế, đại biểu đã đưa ra 3 đề xuất cụ thể để tăng cường và phát triển hiệu quả mô hình hợp tác, đó là chú trọng về thông tin truyền thông đối với các nước có kinh nghiệm phát triển nhằm mở rộng trao đổi kinh nghiệm giữa các nước có kinh nghiệm và các nước hưởng lợi; Thúc đẩy đối thoại, tham vấn và trao đổi kinh nghiệm giữa các nước thành viên OIF; Chú trọng đào tạo và phát triển nhân lực tham gia vào các dự án hợp tác.
Hiện chưa có một định nghĩa quốc tế nào về quan hệ 3 bên, trong một số trường hợp, mô hình hợp tác này thường diễn ra giữa một nước phát triển, một nước có kinh nghiệm và một nước hưởng lợi. Các lĩnh vực hợp tác rất đa dạng như quản trị, hành chính, nông nghiệp, ngư nghiệp, thủy sản, dịch vụ xã hội, vệ sinh dịch tễ, cung cấp nước… Chủ tọa phiên họp, ông Nguyễn Quang Chiến khẳng định mô hình hợp tác ba bên có vai trò quan trọng trong việc gắn kết các nước trong OIF thông qua quá trình tham gia vào các dự án hợp tác.
Về lĩnh vực an ninh lương thực và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, nhờ có những thành công đã đạt được trong thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nhiều kinh nghiệm. Tại Diễn đàn, ông Tô Việt Châu, phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nêu bật những thành tựu đáng kể của Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực với mức tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt gần 5,5%/năm. Ngoài ra, Việt Nam là một trong 18 quốc gia được trao Bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 1 (MDG1) – giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015. Với những thành công đó, Việt Nam đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp để đóng góp cho Chiến lược kinh tế Pháp ngữ với 4 nội dung chính: thứ nhất, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ; thứ hai, thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu về Châu Phi để cung cấp cho các nhà tài trợ đánh giá tình hình và khả năng hợp tác với các nước Châu Phi, từ đó đưa ra định hướng phát triển cho từng quốc gia; thứ ba, thúc đẩy các Chương trình hợp tác Nam – Nam với FAO, sáng kiến của Nhật Bản tại Hội nghị TICAD V; thứ 4, OIF cần giữ vai trò điều phối chính, gắn kết các quốc gia khối Pháp ngữ khi tham gia Chương trình hợp tác nông nghiệp.
Một chủ đề được thảo luận sôi nổi tại phiên họp sáng nay là vai trò của phụ nữ trong không gian Pháp ngữ. Các đại biểu đến từ Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Hội nữ doanh nhân khu vực Ấn Độ Dương đã có những tham luận về tình hình nữ giới của OIF. Đại biểu Mai Thị Diệu Huyền, Trưởng phòng, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tin tưởng, các doanh nhân nữ Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng với các nước Cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và các quốc gia khác nói chung, và họ sẽ tiếp tục là nhân tốt quan trọng góp phần phát triển kinh tế đất nước. Chủ tịch Hội nữ doanh nhân khu vực Ấn Độ Dương, bà Sylvia Pages cho rằng, phụ nữ trong Cộng đồng Pháp ngữ cần tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quốc tế, các diễn đàn và cơ chế hợp tác về kinh tế; OIF cần khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực chính thức.
Phiên họp sáng còn có các tham luận của các đại diện Việt Nam, Canada và Liên minh Châu Âu.