Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 10


Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM 10 tại Mi-lan, chiều 16/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Pháp Phờ-răng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande). Hai Bên đánh giá cao những kết quả hợp tác song phương đã đạt được trong thời gian qua nhằm triển khai Đối tác chiến lược Việt  - Pháp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp Phờ-răng-xoa Ô-lăng-đơ đánh giá cao thành công của sự kiện Năm Việt Nam – Pháp 2013 – 2014 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã góp phần củng cố sự gắn bó và giao lưu giữa hai dân tộc. Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp bộ, ngành, địa phương; thống nhất các biện pháp cụ thể, tạo xung lực mới cho mối quan hệ Đối tác chiến lược trên các lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư,  an ninh – quốc phòng, công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng, giao thông, hàng không và vũ trụ, y tế, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và môi trường. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Francophonie, trong đó có việc dạy tiếng Pháp tại Việt Nam và dạy tiếng Việt cho người Pháp gốc Việt tại Pháp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Phờ-răng-xoa Ô-lăng-đơ cũng đã trao đổi ý kiến về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức Hội nghị về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 của Liên hợp quốc (COP 21) tại Paris vào năm 2015. Tổng thống Phờ-răng-xoa Ô-lăng-đơ bày tỏ nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng I-ta-li-a, hiện là Chủ tịch luân phiên EU và Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM lần này.

Thủ tướng Matteo Renzi nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam tháng 6 vừa qua; cám ơn đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM-10, coi đây là đóng góp quan trọng cho thành công của Hội nghị.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – I-ta-li-a trong thời gian qua; đánh giá cao việc triển khai các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế – thương mại – đầu tư, văn hóa, giáo dục – đào tạo, quốc phòng – an ninh... Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, hai Thủ tướng nhất trí các cơ quan hữu quan hai nước cần cùng nhau cố gắng đưa hợp tác kinh tế thành một trụ cột chính trong quan hệ Đối tác chiến lược, trao đổi, thống nhất các biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, kết nối đối tác để đạt mục tiêu đã thống nhất, đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015. Hai Thủ tướng cũng cho rằng hai bên cần duy trì và triển khai các cơ chế tham vấn giữa các bộ, ngành hai nước trong từng lĩnh vực hợp tác, trước mắt là tổ chức tốt cuộc họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – I-ta-li-a về hợp tác kinh tế và Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng vào tháng 11/2014 tại Hà Nội. 

Lãnh đạo hai nước khẳng định hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng I-ta-li-a khẳng định ủng hộ bảo đảm an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. I-ta-li-a khẳng định tiếp tục ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, trong đó có việc thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Hợp tác (PCA), ủng hộ Việt Nam sớm được EU công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cùng thời điểm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam – EU, nhất là trong bối cảnh Italia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2014.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Xtê-phan Lếp-ven (Stefan Löfven), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa chúc mừng Ngài Stefan Löfven (Xtê-phan Lếp-ven) được bầu giữ chức Thủ tướng Thụy Điển và cảm ơn những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước. Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; nhất trí hai bên cần tăng cường trao đổi và tiếp xúc ở các cấp, nhất là thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao; phối hợp tạo điều kiện để các nhà đầu tư hai nước tiếp xúc, kết nối hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch, sáng tạo đổi mới, giao thông, y tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ ODA của Thụy Điển, nhất là trong lĩnh vực y tế, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới.

Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Ai-len En-đa Ken-ny (Enda Kenny), hai bên bày tỏ hài lòng trước quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước và mong muốn khai thác nhiều hơn và hiệu quả hơn các cơ hội hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư để tương xứng với tiềm năng của hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hiệu quả của các dự án ODA do Chính phủ Ai-len tài trợ và đề nghị Ai-len tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả bom mìn. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, biến đổi khí hậu, nông nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Ai-len đã thành công vượt qua khủng hoảng kinh tế. Hai Thủ tướng mong muốn tăng cường hợp tác giáo dục,  trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, nhất là trong giới trẻ, hợp tác trong lĩnh vực con nuôi… Thủ tướng Ai-len bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phần Lan A-lếch-xan-đơ Xtúp (Alexander Stubb), hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tập trung vào một số nội dung cụ thể như: tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn kinh tế, doanh nghiệp để hai bên tìm hiểu thông tin và cơ hội hợp tác; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác phát triển đã thỏa thuận đến năm 2016 và xác định định hướng hợp tác trong thời gian tiếp theo. Hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cũng quan tâm; nhất trí tiếp tục truyền thống hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Nhân dịp này, Thủ tướng A-lếch-xan-đơ Xtúp đã nhắc lại lời mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Phần Lan.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các nước sớm phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) và sớm hoàn tất ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mời lãnh đạo các nước châu Âu sớm thăm Việt Nam và lãnh đạo các nước đã vui vẻ nhận lời.

Cũng tại Trung tâm Hội nghị Mi-lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có một loạt các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước Ca-dắc-xtan, Hà Lan, Slo-ven-ni-a, Ô-xtrây-li-a.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chúc mừng Ca-dắc-xtan chính thức trở thành thành viên của ASEM. Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như hợp tác năng lượng, dầu khí, tăng cường trao đổi thương mại, nhất là trong bối cảnh đàm phán FTA giữa Việt Nam với Liên minh hải quan Nga – Bê-la-rút – Ca-dắc-xtan sắp hoàn tất.

Với Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mắc Rút-tơ (Mark Rutte) đánh giá quan hệ hợp tác  song phương được triển khai rất năng động và hiệu quả, thể hiện qua kết quả của các chuyến thăm vừa qua giữa lãnh đạo hai nước.  Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển, dịch vụ hậu cần và đóng tàu…

Với Slo-ven-ni-a, hai bên bày tỏ hài lòng về những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác song phương những năm gần đây, nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và các hoạt động trao đổi, giao lưu giữa các bộ, ngành, nhất là hợp tác kinh tế.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a Giu-li Bit-sóp (Julie Bishop), hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM, APEC, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)...Bộ trưởng Ngoại giao Giu-li Bít-sóp khẳng định chính phủ mới của Ô-xtrây-li-a tiếp tục coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của Ô-xtrây-li-a tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chiều cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị Mi-lan, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Quốc vụ khanh Ru-ma-ni Ca-rơ-men Bu-rơ-la-cu đã chứng kiến Lễ ký Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Hội đồng tỉnh Tun-chê-a của Ru-ma-ni, trong đó, hai bên sẽ hợp tác triển khai các dự án trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác Mê Công – Đa-nuýp của ASEM, do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU điều phối với sự hỗ trợ của EU về quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các vấn đề môi trường xuyên quốc gia, du lịch sinh thái, v.v… Đây là hoạt động hợp tác cấp địa phương đầu tiên của Việt Nam với một nước thành viên EU trong khuôn khổ hợp tác liên tiểu vùng của ASEM, không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai địa phương trong lĩnh vực cùng quan tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mà còn là một điển hình hợp tác liên khu vực giữa các nước ven sông Mê Công và Đa-nuýp trong quản lý bền vững nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên biên giới./.

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Mi-lan, I-ta-li-a, sáng ngày 17/10/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Thuỵ Sĩ Đi-đi Buốc-han-tơ (Didier Burkhalter), Thủ tướng Lúc-xăm-bua Xa-vi-ê Bét-ten (Xavier Betten) và Thủ tướng Ba Lan E-va Cô-pát (Ewa Kopacz).

Tại cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ, lãnh đạo hai nước vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả và chặt chẽ trên cả bình diện song phương và đa phương; nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển; đẩy nhanh đàm phán ký kết FTA giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là thành viên; phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc và ASEM. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sỹ mở rộng kinh doanh, đầu tư với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Thụy Sỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, hóa chất, dược phẩm. Tổng thống Thụy Sĩ bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam trong dịp Thụy Sĩ mở Tổng lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Luých-xăm-bua Xa-vi-ê Bét-ten (Xavier Bettel), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng ông Xa-vi-ê Bét-ten mới được bầu làm Thủ tướng của Luých-xăm-bua. Hai Thủ tướng hoan nghênh các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2013 và nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hợp tác kinh tế với Luých-xăm-bua; cám ơn Luých-xăm-bua dành cho Việt Nam vị trí ưu tiên trong hợp tác phát triển. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thương mại và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ, vận tải, dịch vụ tài chính – ngân hàng, du lịch, tăng trưởng xanh, vệ tinh.

Thủ tướng Luých-xăm-bua khẳng định Luých-xăm-bua coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam và nhấn mạnh sẽ phối hợp thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) và hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ba Lan E-va Cô-pát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng bà E-va Cô-pát mới được bầu làm Thủ tướng Ba Lan; đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Ba Lan tại châu Âu và thế giới thể hiện qua việc Ngài Đô-nan Tút-xcơ (Donald Tusk), nguyên Thủ tướng Ba Lan vừa được bầu làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Hai Thủ tướng nhất trí trao đổi các chuyến thăm cấp cao, thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, tài chính, nông nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ba Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA); sớm hoàn tất ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA).

Trước đó, vào tối ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Hung-ga-ri Vích-to O-ban (Viktor Orbán). Hai bên nhất trí về các biện pháp củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước,  nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục. Thủ tướng  Vích-to O-ban bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam.

Chiều 17/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên nhằm trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng những thành tựu quan trọng thời gian gần đây của Mi-an-ma trong phát triển đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngày càng khẳng định vai trò ở khu vực và trên thế giới; chúc mừng Mi-an-ma đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN từ đầu năm 2014 đến nay; khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chặt chẽ với Mi-an-ma.

Hai nhà Lãnh đạo hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua, nhất là về chính trị-đối ngoại, kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, giáo dục, nông-lâm nghiệp… Để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được, trong đó tập trung vào 12 lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về hợp tác Mi-an-ma – Việt Nam ký vào tháng 4/2014; đặc biệt đề nghị Mi-an-ma, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và đầu tư tại Mi-an-ma. Lãnh đạo hai nước nhất trí sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Mi-an-ma và sớm ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên Hợp Quốc cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng như ACMECS, CLMV, GMS và EWEC.  Mi-an-ma thông báo sẽ sớm gia nhập thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC).

Hai bên nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Ngài Pray-út Chan-ocha được bổ nhiệm làm Thủ tướng Vương quốc Thái Lan và hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Ngài Thủ tướng. Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các biện pháp đưa quan hệ Việt Nam – Thái Lan phát triển hiệu quả hơn như tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, bao gồm họp nội các chung, Ủy ban Hỗn hợp, Ủy ban hợp tác chung về thương mại, Tham khảo chính trị; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, đưa kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD vào năm 2020; sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác về lao động, về thể thao và Hiệp định mới về hợp tác khoa học – công nghệ. Thủ tướng Thái Lan đề nghị hai bên cùng khuyến khích và dành ưu đãi cho doanh nghiệp của nhau về đầu tư, nhất trí tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và các hoạt động hợp tác lao động. Thái Lan khẳng định tiếp tục đóng góp và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước ASEAN khác trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và cùng nhau phát triển; nhất trí trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, sẽ đóng góp thực hiện đầy đủ DOC, sớm đạt được COC.

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mông Cổ Sa-khia-ghin Ên-bếch-đóc-giơ (Tsakhia Elbegdorj), Tổng thống Bun-ga-ri Rô-sen Plê-vne-ni-ép (Rosen Plevneliev)  và Thủ tướng Na Uy Ét-na Sôn-bớc (Erna Solberg).

Với Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn  Dũng chúc Mông Cổ chuẩn bị tốt Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 (ASEM 11), khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm để Mông Cổ đảm nhận thành công vai trò nước chủ nhà của Hội nghị ASEM 11.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Bun-ga-ri, hai bên nhất trí cần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Lãnh đạo hai nước cũng trao đổi một số các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật và giáo dục đào tạo.

Với Na Uy, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như năng lương, nghề cá và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề an ninh, phát triển tại các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng Na Uy sớm thăm Việt Nam và Thủ tướng Na Uy vui vẻ nhận lời./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer