Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, điều hành Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra thế mạnh của hợp tác ASEAN+3 trong ứng phó khủng hoảng, đặc biệt trong phối hợp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 ngay từ ngày đầu bùng phát. Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN+3 tiếp tục giữ vững đà hợp tác, từng bước đẩy lùi COVID-19, giảm thiểu tác động của dịch bệnh, duy trì ổn định các nền tảng kinh tế tài chính vĩ mô, thúc đẩy phục hồi toàn diện và bền vững.
Trao đổi tại Hội nghị, các nước đánh giá cao vai trò quan trọng của hợp tác ASEAN+3 trong gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Á với ASEAN ở vị trí trung tâm. Các nước phát biểu chia sẻ những giá trị chung được đề cao trong nhiều tài liệu quan trọng của ASEAN, đặc biệt là trong Tuyên bố về Tầm quan trọng của việc Duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.
Lãnh đạo các nước bày tỏ hài lòng với kết quả đạt được của hợp tác kinh tế ASEAN + 3 trong 2019: kim ngạch thương mại giữa các nước đạt 890 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN; vốn đầu tư từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào ASEAN đạt 32 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng dòng đầu tư vào ASEAN. Các nước này cũng có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn 3 Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI).
Lãnh đạo các nước ghi nhận Báo cáo triển khai giai đoạn 3 của Kế hoạch công tác ASEAN+3, cam kết sẽ thúc đẩy hiệu quả kế hoạch này. Các nước nhất trí tập trung hợp tác trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như buôn người, tội phạm công nghệ cao, khủng bố, buôn ma túy…; tận dụng hiệu quả các cơ hội mang lại từ Cách mạng Công nghệ 4.0, thúc đẩy phát triển kinh tế số và tăng trưởng sáng tạo. Lãnh đạo các nước cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng như các lĩnh vực hợp tác y tế, lao động, hợp tác tài chính, giao lưu văn hóa, kết nối người dân, bình đẳng giới, môi trường…
Về hợp tác ứng phó đại dịch COVID-19, các nước nhất trí tăng cường hơn nữa vai trò của cơ chế ASEAN+3 trong kiểm soát và ngăn ngừa hiệu quả đại dịch trong khu vực trên tinh thần của Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó COVID-19. Các nước ASEAN đánh giá cao đóng góp của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để triển khai các sáng kiến ứng phó chung như thành lập Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 và Kho dự trữ vật tư y tế ASEAN. Các nước đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, hoan nghênh thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương, khẳng định sự coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác và hòa bình tại khu vực. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng sự tương trợ lẫn nhau giữa các nước trong cuộc chiến chống đại dịch là biểu hiện rõ nhất của tình đoàn kết và hữu nghị, ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy liên kết và khôi phục kinh tế. Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in mong muốn ASEAN+3 tăng cường hợp tác vì hoà bình và thịnh vượng, nâng cao tự cường kinh tế và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế bao trùm. Thủ tướng Nhật Bản Su-ga Yô-si-hi-đê bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các nước để vượt qua thách thức từ đại dịch, đánh giá cao khởi động thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED). Lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cam kết đóng góp 1 triệu USD mỗi nước, cùng đóng góp 300 ngàn USD từ Quỹ Hợp tác ASEAN+3 cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 lần thứ 23, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung kiểm soát và đẩy lùi COVID-19, từng bước khắc phục hậu quả và thúc đẩy phục hồi bền vững. Thủ tướng đề nghị Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ với ASEAN kinh nghiệm, thế mạnh trong nghiên cứu dịch tễ và dự phòng các tình huống y tế công cộng; hỗ trợ triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với 2 đầu tàu kinh tế là Trung Quốc và Nhật Bản, các nước cần hợp tác chặt chẽ, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, trong đó có thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có giữa ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng việc sớm ký kết RCEP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa thương mại đa phương và các nỗ lực liên kết kinh tế khu vực.
Thủ tướng đồng thời khẳng định lập trường chung của ASEAN về xây dựng Biển Đông hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), ủng hộ đối thoại và hợp tác hướng đến hòa bình bền vững, phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, thông qua Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường hợp tác ASEAN+3 nâng cao tự cường kinh tế và tài chính trước những thách thức đang nổi lên./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |