Đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
(ĐCSVN) – Đẩy mạnh công tác tiếng Việt với những giải pháp đồng bộ, nhất quán từ trong nước và huy động sự tham gia tích cực của các hội đoàn, vận động xây dựng thành phong trào giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) chính là một trong những nội dung quan trọng quán triệt theo tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN xung quanh nội dung này. Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết trong những năm vừa qua, việc thực hiện công tác tiếng Việt đối với NVNONN đã thu được những kết quả gì? Đặc biệt, Thứ trưởng có thể điểm lại một số kết quả cụ thể trong quá trình thực hiện thí điểm Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với NVNONN từ nay đến năm 2020” ? TS. Nguyễn Thanh Sơn: Công tác đối với NVNONN nhấn mạnh một trọng tâm là làm sao phải củng cố và phát triển toàn diện cộng đồng NVNONN nói chung và thế hệ trẻ kiều bào nói riêng trong cả nhận thức và hiểu biết về văn hóa, lịch sử đất nước, truyền thống của dân tộc và đặc biệt là bảo tồn, phát triển và thúc đẩy việc học tiếng Việt tại khắp các quốc gia trên thế giới, nơi bà con kiều bào ta sinh sống. Đặc biệt hiện nay, tại một số quốc gia trên thế giới, thế hệ trẻ kiều bào đã xuất hiện thế hệ thứ 4. Trong thời gian vừa qua, công tác giảng dạy tiếng Việt cũng như chiến lược phát triển và củng cố tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm. Chúng ta đầu tư cho một dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, đã kết thúc trong năm vừa qua, với khoản kinh phí rất lớn là khoảng 5 tỷ đồng. Dự án nhằm xây dựng một bộ sách giáo khoa mới, hiện đại đáp ứng được nhu cầu rất lớn về việc học tiếng Việt của cộng đồng bà con ta sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta đã có được một bộ sách giáo khoa mới cung cấp cho các vùng miền, các quốc gia, trong đó đặc biệt là các nước Đông Âu, để đảm bảo tiến hành hiệu quả quá trình giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ trẻ kiều bào. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt cũng đã tiến hành nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu để đánh giá chất lượng dạy và học tiếng Việt cũng như khảo sát nhu cầu được học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại các vùng miền, quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đánh giá rằng, trong 5 năm gần đây, nhu cầu học tiếng Việt, mong muốn được phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển và các bậc phụ huynh ngày càng mong muốn con em mình có thể biết và sử dụng thành thạo tiếng Việt. Phóng viên: Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế là nguy cơ “mất gốc”, mai một bản sắc văn hóa trong cộng đồng NVNONN, đặc biệt ở thế hệ trẻ kiều bào. Vậy, Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về những tồn tại, khó khăn gặp phải trong quá trình dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào, nhất là thế hệ thứ 3, thứ 4 ? TS. Nguyễn Thanh Sơn: Một thực tế không thể phủ nhận là trong thời gian gần đây, tại một số quốc gia, do hoàn cảnh, điều kiện sinh sống tại nơi cư trú nên các em thanh thiếu niên kiều bào phải học tập, làm việc rất nhiều và vì vậy, ít có thời gian dành để học tiếng Việt. Điều này dẫn tới một thực tế là các thế hệ trẻ kiều bào, nhất là thế hệ thứ 3, thứ 4, mặc dù có thể hiểu được song các em hầu như không nói được tiếng Việt. Thêm vào đó, bộ sách giáo khoa mà chúng ta biên soạn vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn yêu cầu cũng như chưa hoàn toàn thích hợp với đặc thù về giảng dạy ngoại ngữ ở từng quốc gia trên thế giới. Bộ sách giáo khoa biên soạn có thể phù hợp với các quốc gia châu Âu nhưng lại chưa phù hợp với các quốc gia châu Mỹ và ngược lại… Thực tế này đòi hỏi cần phải tiến hành nghiên cứu bổ sung để chúng ta có thể đưa ra một giáo trình hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu học tập tiếng Việt của bà con kiều bào trên nhiều địa bàn khác nhau. Ngoài ra, tại hầu hết các quốc gia, lực lượng giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào hiện vẫn còn đang rất thiếu. Chúng ta vẫn chưa có một chế độ hoàn chỉnh để cử giáo viên ra nước ngoài dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào ta nói chung và thế hệ trẻ kiều bào nói riêng. Trong những năm vừa qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã nhiều lần cử cán bộ, chuyên gia sang tập huấn cho các giáo viên dạy tiếng Việt tại một số nước như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Ba Lan, CH Séc, Nga và một số bang của Mỹ,… nhằm củng cố và nâng cao trình độ giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống tại nước ngoài. Phóng viên: Vậy theo Thứ trưởng, phương thức, mô hình nào cần được xây dựng và áp dụng để triển khai hiệu quả công tác tiếng Việt đối với NVNONN ? TS. Nguyễn Thanh Sơn: Như tôi đã nói ở trên, đứng trước những tồn tại, khó khăn đang gặp phải, một mặt, trong thời gian vừa qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tiến hành cử cán bộ, chuyên gia một số nước như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Ba Lan, CH Séc, Nga và một số bang của Mỹ để tập huấn cho lực lượng giáo viên giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào vốn đang còn rất thiếu. Mặt khác, do chúng ta chưa có một chế độ hoàn chỉnh để cử giáo viên ra nước ngoài dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào nói chung và thế hệ trẻ kiều bào nói riêng nên chúng tôi đang xem xét khả năng tiến hành vận động các sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tại các quốc gia trên thế giới tham gia vào phong trào tình nguyên giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào. Trong thời gian vừa qua, số sinh viên của chúng ta cử đi học tập tại nước ngoài theo nhiều con đường khác nhau song tất cả các em sang châu Âu, châu Á, châu Mỹ,… học tập đều cùng tham gia sinh hoạt chung tại hội sinh viên, thanh niên ở các quốc gia đó. Và, chúng tôi đã tiến hành vận động sinh viên Việt Nam tự nguyện thực hiện những buổi dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào. Mô hình này chúng tôi đã và đang áp dụng rất thành công tại một số quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các quốc gia khác, ở các châu lục khác. Chúng tôi cũng mong muốn và đang kiến nghị Đảng, Nhà nước và Chính phủ có chế độ đãi ngộ hợp lý để có thể tuyển được một đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp cử sang giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào, trước hết là ở trình độ cấp I phổ cập để các em có thể nâng cao và củng cố được vốn tiếng Việt ban đầu. Chúng tôi khẳng định rằng chiến lược củng cố, phát triển và nâng cao việc học tập tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN chính là một nội dung quan trọng của Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, và chúng tôi đã, đang và sẽ cố gắng tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Phóng viên: “Trại hè Việt Nam” do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức hàng năm là một hoạt động hiệu quả giúp thế hệ trẻ kiều bào trau dồi tiếng Việt. Xin Thứ trưởng cho biết, trong thời gian sắp tới, Ủy ban sẽ tiếp tục triển khai thêm những hoạt động nào để bà con kiều bào, đặc biệt là các thế hệ trẻ kiều bào có điều kiện duy trì, sử dụng được tiếng Việt, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc ? TS. Nguyễn Thanh Sơn: Thực tế, ngoài hoạt động “Trại hè Việt Nam” được tổ chức hàng năm, kể từ năm 2006 trở lại đây, chúng tôi đã tổ chức thêm một hoạt động khác, đó là Festival thanh niên, sinh viên kiều bào. Hoạt động này được chúng tôi tổ chức hàng năm và mỗi năm lại tiến hành ở một quốc gia khác nhau. Chúng tôi đã tiến hành được hai kỳ làm rất hiệu quả tại CH Séc (năm 2006) và Nga (năm 2008). Năm 2008, chúng tôi đã tiến hành tổ chức Festival thanh niên, sinh viên kiều bào ở châu Âu với chương trình trung tâm được thực hiện hoành tráng tại Matxcơva. Tuy nhiên, sang đến năm 2009, mặc dù dự định tiếp tục tiến hành song do tình hình kinh tế cả trong và ngoài nước đều gặp phải nhiều khó khăn, chúng tôi rút lại hoạt động này và chỉ tập trung cho “Trại hè Việt Nam”. Trong thời gian tới, chúng tôi dự định khi có đủ khả năng, điều kiện, sẽ tiếp tục tổ chức Festival thanh niên, sinh viên kiều bào tại các quốc gia trên thế giới với mong muốn giúp những em không có điều kiện về dự Trại hè hoặc các em ở độ tuổi lớn hơn có thể gặp gỡ, trao đổi với nhau tại chính nơi các em đang sinh sống, dù đó là ở châu Âu, châu Á hay châu Mỹ... Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn, trước mắt là củng cố, phát triển nội dung sinh hoạt của “Trại hè Việt Nam”. Theo đó, chương trình “Trại hè Việt Nam” có thể được củng cố về nội dung, kéo dài thời gian nhiều hơn, tổ chức nhiều hoạt động hơn… Chúng tôi sẽ chú trọng hoạt động giao lưu, tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử văn hóa của dân tộc, về những vùng miền các em đi qua. Thêm vào đó, thông qua các hoạt động giao lưu giữa sinh viên, thanh niên kiều bào với sinh viên, thanh niên trong nước, các em sẽ có thêm nhiều điều kiện trao đổi, học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm trong học tập, trong cuộc sống,… Đặc biệt, các em thanh niên, sinh viên kiều bào sẽ có thời gian tiếp xúc để trau dồi, nâng cao trình độ tiếng Việt vì tiếng Việt chỉ có thể được nâng cao thông qua giao lưu khi các em trực tiếp nói, trực tiếp nghe, trực tiếp hỏi và trực tiếp đọc…; từ đó, các em sẽ có trình độ tiếng Việt tốt hơn. Sau nhiều năm tiến hành nghiên cứu, đánh giá, chúng tôi thấy rằng, sau mỗi kỳ các em kết thúc Trại hè, trở về các quốc gia nơi mình đang sinh sống thì vốn tiếng Việt của các em tốt hơn hẳn. Chúng tôi vẫn luôn nhắn nhủ với các em rằng, hành trang của các em khi trở về đều “nặng” hơn vì các em đã “nạp” thêm được kiến thức văn hóa, lịch sử, thêm được những hình ảnh về Tổ quốc và các em có thêm tình cảm của bà con trong nước gửi gắm cho các em. Đặc biệt, một trong những điều quý giá nữa mà các em có được sau Trại hè, đó là kiến thức về tiếng Việt, là vốn tiếng Việt ngày càng được củng cố và phát triển. Đây cũng chính là một hoạt động hiệu quả, có ý nghĩa dành cho thanh niên kiều bào mà chúng tôi đã thực hiện, đang thực hiện và sẽ tiếp tục tiến hành. Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! |
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |