Trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc về báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ II của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
PV: Thứ trưởng có thể cho biết những điểm chính trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II về tình hình thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Báo cáo của đoàn ta đã giới thiệu khái quát và toàn diện những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam trong 4 năm rưỡi qua, kể từ phiên Rà soát chu kỳ I vào tháng 5-2009. Báo cáo cũng đề cập rất rõ những nỗ lực của chúng ta trong thực hiện nghiêm túc, tích cực 96 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận vào năm 2009. Kết quả đạt được thể hiện rất rõ và sinh động trên tất cả các mặt đời sống xã hội.
Điểm nổi bật nhất là Việt Nam đã hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp lý, các chế độ, cơ chế, chính sách liên quan đến việc thúc đẩy bảo vệ quyền con người.
Thứ hai là chúng ta đã thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ trong đó có vấn đề xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế. Ngoài ra chúng ta cũng đảm bảo tốt hơn các quyền tự do cơ bản cho người dân, đặc biệt chú ý đến các nhóm yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời chúng ta cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền: trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (được bầu với số phiếu cao), tham gia nhiều Công ước quốc tế về quyền con người, đón các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền thăm Việt Nam, tiến hành đối thoại nhân quyền thường niên với nhiều đối tác cũng như đóng góp vào cơ chế nhân quyền của ASEAN…
Bên cạnh những thành tựu, Báo cáo cũng đề cập tới những thách thức, khó khăn mà Việt Nam đã vượt qua và xác định những ưu tiên của Việt Nam trong việc tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Tôi xin nêu ra một nhận xét của đoàn Bosnia-Hezergovina và đây cũng là ý kiến của một số đoàn khác khi họ chia sẻ đánh giá về Báo cáo UPR của Việt Nam: “Báo cáo UPR của Việt Nam là một tuyên bố chân thực về cam kết tôn trọng quyền con người.”
PV: Sau khi Việt Nam trình bày báo cáo, các nước đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với Việt Nam. Vậy Thứ trưởng cho biết khuyến nghị của các nước tập trung vào những vấn đề gì và có những điểm nào mới so với các khuyến nghị đưa ra năm 2009? Quan điểm của Việt Nam với những khuyến nghị đó như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Có 106 nước đã tham gia đối thoại, nhiều nước trong đó đã đưa ra các khuyến nghị. Sau phiên rà soát, Việt Nam đã nhận được 227 khuyến nghị. Điểm mới so với chu kỳ I là các khuyến nghị lần này ngắn gọn, cụ thể hơn, điều này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình thực hiện sau này.
Những khuyến nghị này đề cập tới tất cả các lĩnh vực liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Về cơ bản các khuyến nghị là tích cực và mang tính xây dựng. Ngay sau khi nhận được các khuyến nghị, đoàn ta gồm đại diện 11 bộ, ban, ngành đã họp và rà soát.
Đoàn đánh giá sơ bộ: Phần lớn các khuyến nghị là có thể chấp nhận được, vì phù hợp với đường lối đổi mới và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn về nhân quyền ở Việt Nam. Đó sẽ là sự bổ sung hữu ích, giúp chúng ta có thể xác định rõ hơn những ưu tiên thúc đẩy về vảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên cũng còn một số khuyến nghị còn thiếu cơ sở, chưa phản ánh được đúng tình hình thực tiễn một cách khách quan của Việt Nam hoặc thể hiện định kiến. Những khuyến nghị này chúng ta không chấp thuận.
Theo lộ trình, các bộ, ngành sẽ rà soát kỹ từng khuyến nghị, trong khóa họp lần thứ 26 của Hội Đồng nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng Sáu tới, Việt Nam sẽ chính thức thông báo các khuyến nghị được chấp thuận.
PV: Sau khi trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và lần rà soát định kỳ này, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm thực hiện quyền con người ở cả trong nước và trên quốc tế ngày càng cao. Chúng ta cần làm gì để thực hiện tốt hơn nữa việc bảo đảm quyền con người tại Việt Nam cũng như hoàn thành các trách nhiệm quốc tế của mình trong lĩnh vực này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở trong nước, đồng thời tích cực tham gia hợp tác quốc tế để thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn thế giới. Những thành tựu của chúng ta đã được quốc tế công nhận cùng với những nỗ lực hợp tác rất thiết thực trên diễn đàn quốc tế chính là cơ sở để các nước bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao.
Trên phạm vi quốc gia, chúng ta cần tiếp tục những nỗ lực, biện pháp, chính sách, nguồn lực để đảm bảo tốt hơn quyền của người dân đồng thời phải thực hiện những cam kết tự nguyện mà chúng ta đưa ra khi ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Trên phạm vi quốc tế, hiện nay Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền, chúng ta sẽ tham gia một cách tích cực, chủ động, có trách nhiệm, góp phần làm cho cơ quan này hiệu quả hơn, minh bạch hơn, khách quan hơn và thúc đẩy tinh thần đối thoại và hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Chúng ta cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước và học hỏi kinh nghiệm phù hợp của các nước; đồng thời đóng góp vào những vấn đề lớn mà các nước quan tâm, nhất là các nước đang phát triển, liên quan đến các quyền kinh tế, xã hội. Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp với các nước, các đối tác quốc tế khác thúc đẩy những vấn đề, sáng kiến mới được sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
PV: Trong thời gian tới, những ưu tiên và cam kết trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người của Việt Nam sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Mặc dù còn những khó khăn và những thách thức, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta là sẽ cố gắng vượt qua những thách thức, khó khăn đó. Chúng ta sẽ nghiêm túc thực hiện những khuyến nghị UPR chu kỳ 2 mà chúng ta sẽ chấp thuận trong thời gian tới, như đã làm sau phiên rà soát chu kỳ 1. Tôi cho rằng đây là cam kết cao nhất của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Trên tinh thần đó, tôi cho rằng chúng ta cần ưu tiên 5 lĩnh vực sau:
Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, các cơ chế chính sách liên quan đến quyền con người, làm sao cho tương thích với những nội dung mới của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền dân sự đồng thời thực hiện các cam kết mà chúng ta nêu ra với cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, tiếp tục huy động các nguồn lực cho các chương trình quốc gia, chương trình chiến lược liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội, nhất là với những đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế như người già, người tàn tật, phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu vùng xa.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh chống tham nhũng, quan liêu và đặc biệt là mở rộng dân chủ cơ sở, tăng cường nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia đảm bảo quyền con người, đặc biệt hạn chế đến mức tối đa những vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quyền của người dân.
Thứ tư, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển.
Cuối cùng, cần nâng cao đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo về quyền con người, tạo điều kiện cho người dân tham gia một cách tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào quá trình hoạch định cũng như triển khai chính sách. Việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là quá trình lâu dài, đòi hỏi những nổ lực liên tục trong đó cũng khẳng định mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế cam kết của Chính phủ về thúc đẩy quyền con người./.
Back Top page Print Email |