Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc trả lời phỏng vấn về ý nghĩa và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba

(Thế giới & Việt Nam) - Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại Hà Lan (24-25/3/2014) và thăm chính thức Cộng hòa Cuba và Cộng hòa Haiti (26-29/3/2014), Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn dành riêng cho TG&VN về Hội nghị.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc (Ảnh: Thế giới & Việt Nam)

PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại La Hay, Hà Lan?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Nhận lời mời của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân trong các ngày 24-25/3 tại La Hay. Đây là diễn đàn đa phương ở cấp cao nhất về an ninh hạt nhân. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, thể hiện cam kết của các quốc gia trong việc tăng cường cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân và tăng cường xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong đó có các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, các nước có công nghệ hạt nhân tiên tiến và cả các nước mới chủ trương phát triển điện hạt nhân như Việt Nam. Đây là lần thứ ba Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh, sau các Hội nghị lần thứ nhất vào năm 2010 tại Washington, Hoa Kỳ và lần thứ hai năm 2012 tại Seoul, Hàn Quốc.

Việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần này tiếp tục khẳng định sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và các quốc gia đối với vấn đề an ninh hạt nhân và vai trò ngày càng tăng của các cơ chế đa phương, trong việc hoạch định và điều phối các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu hiện nay, trong đó có chống khủng bố quốc tế và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhất là vũ khí hạt nhân. Thế giới cũng chứng kiến việc ngày càng có nhiều nước tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản đặt ra nhiều yêu cầu mới về an ninh và an toàn hạt nhân. Xung đột, khủng bố hạt nhân tiếp tục là những mối đe dọa đối với an ninh hạt nhân. Do đó, vấn đề bảo đảm an ninh hạt nhân và ngăn ngừa khủng bố hạt nhân, trong khi bảo đảm quyền phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình, tiếp tục là mối quan tâm cao của cộng đồng quốc tế.

Hội nghị sẽ diễn ra trong một ngày rưỡi nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có nhiều thảo luận quan trọng cùng các nhà lãnh đạo cấp cao về những định hướng hợp tác, hành động mới nhằm cùng nhau bảo đảm các mục tiêu chung. Đây cũng là dịp để Thủ tướng gặp gỡ lãnh đạo nhiều nước thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực.

PV: Từ việc triển khai kết quả Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai, những nỗ lực và vị thế của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá như thế nào?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Thủ tướng Chính phủ đến La Hay trong thời điểm Việt Nam đang giữ một vị thế mới với trên vai trò Chủ tịch (nhiệm kỳ 2013–2014) và thành viên (nhiệm kỳ 2013–2015) của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Với vị thế quan trọng này, chúng ta sẽ khẳng định lại lần nữa cam kết chính trị tích cực tham gia các nỗ lực chung của quốc tế về giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, cũng như thúc đẩy ứng dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình trong đó có ưu tiên việc tăng cường hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Việt Nam chủ trương phát triển điện hạt nhân, đảm bảo an ninh, an toàn và tuân thủ các quy định của IAEA.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh năm 2010 và 2012, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị và thực hiện nhiều hoạt động quan trọng trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, trong đó có việc gia nhập Công ước Bảo vệ Thực thể Hạt nhân và phê chuẩn Phần sửa đổi, phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung cho Hiệp định Thanh sát Toàn diện với IAEA, gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ, đang xem xét tham gia Công ước quốc tế về ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân (ICSANT), tích cực hợp tác với IAEA và các nước trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, hoàn tất trao trả cho Nga uranium có độ làm giàu cao (HEU) ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, đã ký tắt và chuẩn bị ký chính thức với Hoa Kỳ Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123). Những nỗ lực này được cộng đồng quốc tế quan tâm, đánh giá cao.

PV: Việt Nam sẽ tham gia và đóng góp tại Hội nghị lần này như thế nào?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Việt Nam là một trong những nước tích cực trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân, thúc đẩy tham gia và nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ điều ước quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng ta cũng có quyền chính đáng sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình, Việt Nam có quyền trông đợi cộng đồng quốc tế tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình, trong đó có phát triển điện hạt nhân.

Tại Hội nghị này, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN, các nước đang phát triển, bạn bè cùng quan điểm và chủ nhà Hà Lan để tham gia chủ động, tích cực, có hiệu quả tại Hội nghị, thể hiện là thành viên có trách nhiệm, đóng góp xây dựng vào nỗ lực chung nhằm giải quyết một vấn đề hệ trọng đối với cả cộng đồng quốc tế. Nhân dịp này, chúng ta cũng sẽ cố gắng thúc đẩy hợp tác hạt nhân nói riêng và quan hệ song phương với các đối tác lớn; đóng góp tiếng nói cùng các nước Không liên kết, các nước đang phát triển bảo đảm quyền lợi chính đáng của ta và các nước trên cơ sở lợi ích chung.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định và đề cao chính sách về sử dụng hoà bình năng lượng hạt nhân, bảo đảm an toàn và an ninh, qua đó tạo sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với ta trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, tranh thủ sự hợp tác của các nước; đề cao các nỗ lực và biện pháp của ta thực hiện trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh, thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng.

Dự kiến Thủ tướng sẽ có một bài phát biểu và một bài thảo luận về chủ đề “Tương lai cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân” tại Phiên thảo luận chung. Ngoài ra, dự kiến Việt Nam sẽ xem xét tham gia một số sáng kiến về an ninh hạt nhân phù hợp với chủ trương phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình; thể hiện cam kết của ta trong lĩnh vực an ninh hạt nhân; tạo thêm điều kiện cho ta nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về đào tạo, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý vật liệu phóng xạ, cách thức ứng phó với thảm họa, nhất là khi ta đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận; góp phần tăng cường quan hệ song phương với một số nước.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer