Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc về kết quả chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại La Hay, Hà Lan; thăm chính thức Cuba và Haiti của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

(MOFA - 30/3/2014) - Sáng 30/3/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc thành công tốt đẹp chuyến dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại La Hay (Hà Lan), thăm chính thức Cộng hòa Cuba và Cộng hòa Haiti. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời báo chí về kết quả chuyến thăm Vương quốc Hà Lan và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân cũng như chuyến thăm Cuba và Haiti.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc (Ảnh: Thế giới & Việt Nam)

PV: Đề nghị Thứ trưởng đánh giá kết quả chuyến thăm Vương quốc Hà Lan và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Đây là lần thứ ba Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân (lần 1 năm 2010 tại Washington D.C, Mỹ; lần II năm 2012 tại Seul, Hàn Quốc). Trong vòng hai ngày, Thủ tướng đã có một chương trình hoạt động dày đặc, với khoảng 40 hoạt động song phương và đa phương.

Đánh giá về kết quả đạt được, có thể nói ngắn gọn là “3 trong 1” - ba kết quả nổi bật trong một chặng dừng chân tại Hà Lan đó là:

Thứ nhất, Việt Nam đã tích cực và chủ động đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, an ninh và an toàn hạt nhân trên phạm vi toàn thế giới, thông qua việc tăng cường giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, ngăn ngừa nguy cơ vũ khí và nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay lực lượng khủng bố. Đồng thời, góp phần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, một vấn đề thuộc lợi ích sát sườn của ta.

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã tận dụng hiệu quả diễn đàn đa phương có tầm vóc toàn cầu này để thúc đẩy quan hệ song phương với hầu hết các đối tác lớn, quan trọng của ta thông qua 20 cuộc gặp tiếp xúc, có nội dung thiết thực, cụ thể với Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Liên minh Châu Âu… Lãnh đạo các nước đều coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Thứ ba, nước chủ nhà Hà Lan, đối tác chiến lược của ta về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, rất coi trọng và đã thu xếp chương trình làm việc song phương cho đoàn ta tương tự như một chuyến thăm chính thức (Hoàng hậu tiếp, Nhà vua đã tiếp trong khuôn khổ Hội nghị; Thủ tướng Hà Lan hội đàm với Thủ tướng ta; gặp gỡ Quốc hội, các Bộ, ngành của Hà Lan; tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp; Đoàn gặp gỡ Cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan), với những kết quả thực chất trong hợp tác kinh tế -  thương mại, đầu tư, nông nghiệp, tài chính, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, y tế, biến đổi khí hậu… và chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan (6/2014).

Tóm lại, các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn ta đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế và nước chủ nhà Hà Lan những ấn tượng tốt đẹp về một Việt Nam có trách nhiệm, năng động, tích cực và tự tin.

PV: Có thể thấy Thủ tướng Chính phủ và Đoàn ta đã hoạt động rất khẩn trương và cũng rất hiệu quả tại Hà Lan. Vậy  còn chuyến thăm Cuba và Haiti, Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả chính là gì?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Đối với hai nước bạn bè truyền thống Mỹ Latinh, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ đã tạo đột phá mới, nâng tầm quan hệ, đưa nhiều nội dung hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.

Với Cuba, đi đôi với việc củng cố quan hệ đoàn kết thủy chung, đặc biệt tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau đầy tình nghĩa anh em, chuyến thăm đã góp phần nâng hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới. Mức độ tin cậy giữa hai nước tăng lên thông qua những nội dung trao đổi thẳng thắn và thực chất, sự gần gũi trong đánh giá các vấn đề quốc tế và khu vực, sự chân thành, cởi mở trong chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cả thành công và chưa thành công. Việc ký kết Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn lần đầu tiên và việc khai thông những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, mở ra triển vọng về hợp tác viễn thông, công nghệ sinh học-dược phẩm, giải quyết các vấn đề tài chính tồn đọng là những bước đột phá mới. Những bước tiến chiều sâu, hiệu quả, thiết thực của quan hệ hợp tác được thể hiện thông qua kết quả của nhiều cuộc làm việc cấp Bộ, ngành và doanh nghiệp, việc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về y tế, công-nông nghiệp, phát triển mạnh trồng lúa nước, cây cà phê, thông tin truyền thông, xây dựng, tăng cường hợp tác về an ninh-quốc phòng…  Với kết quả tích cực và thiết thực như vậy, lại vào đúng vào thời điểm mang tính bước ngoặt trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế của mỗi nước, Chủ tịch Quốc hội Cuba cho rằng: “chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không có thời điểm nào phù hợp hơn”.

Với Haiti,  một đất nước đã ủng hộ rất nhiệt tình, quý báu đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ đất nước của chúng ta, nhưng là đối tác mới trên lĩnh vực kinh tế  - thương mại, đầu tư…, chúng ta đã triển khai thành công hai mũi nhọn: hợp tác viễn thông và xuất khẩu gạo, đã tạo dấu ấn lòng tin và được Lãnh đạo và nhân dân Haiti đánh giá rất cao vì đã góp phần giúp bạn đảm bảo an ninh lương thực cho 10 triệu dân và phát triển nhanh, hiệu quả hạ tầng thông tin viễn thông vào loại tiên tiến nhất ở Trung Mỹ - Caribe. Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ tới Haiti đã mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực: sản xuất điện, dầu khí, dệt may, khai khoáng, y tế, xây dựng, du lịch thủy sản… đúng vào lúc bạn có nhu cầu cấp bách tái thiết đất nước sau trận động đất khủng khiếp năm 2010.

Chuyến thăm chính thức Haiti của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa rất đặc biệt. Khu vực Trung Mỹ -  Caribe gồm 20 nước, với hơn 80 triệu dân; có một nghịch lý là ở đây ta có nhiều bạn truyền thống, quan hệ chính trị tốt đẹp, song ngoài Cuba, ta hầu như chưa có quan hệ kinh tế -  thương mại đáng kể với các nước còn lại. Vì vậy, Haiti được xem là đột phá thành công bước đầu, từ đó tạo điều kiện mở rộng phạm vi hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư ra toàn khu vực Trung Mỹ - Caribe giàu tiềm năng này. Đây là hiệu ứng “vết dầu loang” sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ và Đoàn ta rất xúc động khi Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viên, Chủ tịch Hạ viện và các Bộ, ngành của Bạn nhiều lần bày tỏ sự biết ơn Việt Nam đã đến với Haiti vào lúc bạn khó khăn và hợp tác rất hiệu quả. Tổng thống và Thủ tướng bạn đều coi đây là hình mẫu của hợp tác Nam-Nam. Tổng thống bạn mong muốn sớm thăm Việt Nam.

Tựu chung lại, chuyến đi trong vòng một tuần lễ của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam vào việc duy trì hòa bình, an ninh và an toàn hạt nhân, đồng thời tạo động lực tăng cường quan hệ hợp tác phát triển bền vững cùng có lợi với các nước bạn bè, đối tác của ta, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer