Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn về đóng góp của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN

(Thế giới & Việt Nam) - Trong bối cảnh ASEAN đi vào Cộng đồng và hướng tới Tầm nhìn sau năm 2015, Việt Nam cần phải gấp rút chuẩn bị cho việc tham gia một ASEAN hiện thực hóa mục tiêu về liên kết kinh tế là trở thành một thị trường duy nhất và không gian thống nhất. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đó là một trong những công việc chính Việt Nam cần phải đẩy mạnh thực hiện để tăng cường hội nhập trong ASEAN.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh (Ảnh: Thế giới & Việt Nam)

PV: Xin ông cho biết lợi ích của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển của ASEAN và đối với khu vực. Có thể nói, đây là một quyết định quan trọng nhất của Hiệp hội ASEAN sau gần năm thập kỷ tồn tại và phát triển, trải qua không ít những thăng trầm của lịch sử. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN, cũng như các đối tác của ASEAN, đều trông đợi và hoan nghênh sự kiện trọng đại này.

Với chúng ta, xây dựng một ASEAN đoàn kết, liên kết, vững mạnh và có vai trò tích cực đối với hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực luôn là lợi ích chiến lược của Việt Nam. Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, chúng ta luôn nhất quán đóng góp một cách chủ động, tích cực, trách nhiệm cho các mục tiêu ưu tiên này.

Đi vào Cộng đồng, với tiêu chí xây dựng một ASEAN "gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội", ASEAN sẽ có điều kiện để đóng góp thiết thực cho các mục tiêu và lợi ích chung của khu vực và các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, nhất là:

Tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực cho việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực.

Thúc đẩy liên kết và kết nối nhằm đưa ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một không gian sản xuất chung, phát huy sức mạnh và khả năng cạnh tranh của khu vực kinh tế ASEAN (với gần 600 triệu dân, tổng GDP là 1,3 nghìn tỷ và tổng kim ngạch thương mại là 600 tỉ USD - số liệu năm 2012), góp phần vào việc phát triển kinh tế năng động, đồng đều và bổ trợ cho nhau giữa các nền kinh tế thành viên và toàn khu vực.

Là hạt nhân thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Á nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế-thương mại rộng lớn hơn, thông qua việc phát huy giá trị và gắn kết các FTA của ASEAN với các đối tác (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand) và thúc đẩy Sáng kiến xây dựng đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ở Đông Á.

Phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu vực và khuyến khích các đối tác tham gia tích cực vào hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, trong đó có việc thúc đẩy xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung, phát huy giá trị và vai trò của các diễn đàn khu vực do ASEAN chủ xướng (ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á, ARF, ADMM+…), cũng như hợp tác ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra cho khu vực.

PV: Việt Nam đã tham gia đóng góp vào việc hoạch định và cụ thể hóa các phương hướng và chính sách quan trọng của ASEAN như thế nào?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Từ chính sách nhất quán khi tham gia ASEAN, Việt Nam luôn chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoạch định chính sách của Hiệp hội nhằm xây dựng một Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, phát huy vai trò của ASEAN vì các mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực trên cơ sở Hiến chương ASEAN. Với chủ trương đó, thời gian qua chúng ta đã tham gia đóng góp vào việc hoạch định và cụ thể hóa các phương hướng và chính sách quan trọng của ASEAN, trong đó đáng chú ý:

Chủ động đóng góp vào duy trì đoàn kết, phát huy tiếng nói chung của ASEAN vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực, ứng phó hiệu quả với các thách thức đặt ra, cũng như thể hiện lập trường chung trên vấn đề Biển Đông, qua đó phát huy và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Góp phần tích cực vào việc xây dựng và triển khai Hiến chương ASEAN và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, triển khai thực hiện ở cả cấp độ quốc gia và khu vực các mục tiêu xây dựng cộng đồng trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và xã hội - văn hoá; tăng cường liên kết, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2010, ta đã chủ động phối hợp với ASEAN để đưa Hiến chương và bộ máy mới của ASEAN cũng như Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015) đi vào triển khai trên thực tế.

Tích cực thúc đẩy hợp tác ASEAN và với các đối tác nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên về thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hợp tác về các vấn đề xã hội và văn hoá…; thúc đẩy hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong theo hướng toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước, gắn kết và lồng ghép với nội dung kế hoạch kết nối ASEAN, nhất là cơ sở hạ tầng, đồng thời tranh thủ sự hợp tác với các đối tác.

Tích cực góp phần mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác; khuyến khích các đối tác tham gia đóng góp vào các trọng tâm và ưu tiên xây dựng cộng đồng của ASEAN.

PV: Trong thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn bị cụ thể như thế nào để tăng cường hội nhập trong ASEAN và thực hiện Tầm nhìn sau 2015?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Hiện nay, ASEAN đang hướng mạnh tới việc hình thành Cộng đồng vào 2015 và xây dựng nội hàm cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015. Theo đó, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN khác bảo đảm rằng quá trình này sẽ kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời đề ra những định hướng mang tính chiến lược và dài hạn để ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh trong các thập kỷ tiếp theo, hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị - an ninh, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội. Cụ thể, chúng ta cần xem xét chuẩn bị một số công việc chính sau:

Một là, chuẩn bị sẵn sàng về nội bộ và nội lực để cùng đi vào Cộng đồng ASEAN, tạo điều kiện cho đất nước tranh thủ được tối đa những lợi ích, lợi thế do Cộng đồng ASEAN mang lại. Một trong những điểm trọng yếu là phải gấp rút chuẩn bị cho việc tham gia một ASEAN hiện thực hóa mục tiêu về liên kết kinh tế là trở thành một thị trường duy nhất và không gian thống nhất, trước hết là với sự giảm thuế quan và thuận lợi hóa tối đa việc lưu chuyển hàng hóa, rồi đến dịch vụ, đầu tư…. trong khu vực. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và chuẩn bị của cả các nhà hoạch định chính sách, quản lý, doanh nghiệp và toàn xã hội nói chung.

Hai là, trước quá trình hội nhập và liên kết ASEAN ở mức độ cao hơn khi đi vào Cộng đồng, chúng ta cần phải xem xét rà soát, bổ sung, điều chỉnh nội luật cũng như các quy trình, thủ tục trong nước cho phù hợp với các quy định của ASEAN trên các lĩnh vực hợp tác.

Ba là, công tác tuyên truyền, quảng bá về ASEAN, nâng cao nhận thức về ASEAN, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các ngành, các cấp và xã hội vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Theo đó, các bộ, ngành cần triển khai hiệu quả kế hoạch truyền thông về ASEAN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2013, ở cấp độ trung ương và đến các địa phương, các thành phần xã hội.

Bốn là, tích cực đóng góp vào xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015 phù hợp với Hiến chương ASEAN và lợi ích của ta; đồng thời, thúc đẩy đóng góp vào việc củng cố các cơ chế, thể chế hợp tác của ASEAN, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả hợp tác, phối hợp và điều phối của các cơ quan ASEAN ở cấp độ quốc gia và khu vực.

Năm là, góp phần thúc đẩy triển khai chủ trương của Đảng về quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bước vào giai đoạn mới với nhiệm vụ hội nhập toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, chính trị, quốc phòng, từ đó xác định các hình thức tham gia và liên kết phù hợp trong ASEAN, bảo đảm đáp ứng lợi ích của ta và khu vực.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer