Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang vinh tham dự Hội thảo "Quan hệ Australia - ASEAN trong sự chuyển đổi của châu Á”

(Thế giới & Việt Nam) - Không ngạc nhiên khi Biển Đông trở thành một chủ đề quan trọng trong Hội thảo về quan hệ Australia – ASEAN sáng nay (30/5) tại Hà Nội.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang vinh phát biểu tại Hội thảo "Quan hệ Australia - ASEAN trong sự chuyển đổi của châu Á” (Ảnh: Thế giới & Việt Nam)

Là sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác Australia – ASEAN (1974-2014), Hội thảo “nóng” lên câu chuyện giàn khoan 981 ngay từ đầu Hội thảo với chủ đề “Quan hệ Australia - ASEAN trong sự chuyển đổi của châu Á”. Ngay trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã đề cập vấn đề Biển Đông: “An ninh, an toàn và tự do hàng hải rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Vì thế, chúng ta phải bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến những hành vi vi phạm vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông”. Thứ trưởng khẳng định việc xây dựng lòng tin, sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ là những yếu tố quyết định đối với hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Rõ ràng nội dung của Hội thảo không dừng lại ở mối quan hệ lâu dài giữa Australia và tổ chức khu vực 47 năm tuổi này. Những hành vi ngang ngược của Trung Quốc đã được tiếp tục trong phần hỏi đáp giữa hai diễn giả là Tiến sĩ Sally Percival Wood ở Trung tâm Công dân và Toàn cầu hóa của trường Đại học Deakin (Australia) và Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (Học viện Ngoại giao Việt Nam) với hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế.

Australia sẽ không phớt lờ

Về hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển của Việt Nam, bà Sally Percival Wood thừa nhận rằng cho đến nay, Chính phủ Australia chỉ mới có thái độ trung lập trong những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và những tuyên bố từ Australia về Biển Đông chưa thực sự mạnh mẽ.

“Tuy nhiên, Australia rất quan ngại về những hành động làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông hiện nay bởi chúng tôi có lợi ích ở khu vực này, 60% hàng hóa của Australia lưu thông hàng hải ở Biển Đông nên chắc chắn Australia sẽ không phớt lờ vấn đề trên”, chuyên gia về Biển Đông nói.

Chia sẻ quan điểm với bà Wood, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Hòa bình, ổn định, tự do thương mại và vận tải trên Biển Đông nằm trong lợi ích của không chỉ các quốc gia ASEAN mà còn với nhiều cường quốc thế giới.

Trên thực tế, Australia đã chia sẻ với ASEAN và Việt Nam về việc làm thế nào để kiểm soát được tình hình thông qua các biện pháp hòa bình và nhất trí rằng các bên phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Australia khuyến khích các nước ASEAN và Trung Quốc cần phải nhanh chóng đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Liệu Việt Nam có thể dựa vào ASEAN để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc? Bà Wood cho rằng Việt Nam khó có thể trông đợi sự hỗ trợ nhiều hơn từ ASEAN ngoài việc ASEAN đã ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 vừa qua tại Nay Pyi Taw (Myanmar). Lý do bà đưa ra các nước ASEAN hiện cũng đang có nhiều vấn đề của riêng họ cần phải giải quyết, chẳng hạn như Thái Lan đang phải xử lý các vấn đề chính trị nội bộ của nước mình.

“Theo tôi, trong một số lĩnh vực, các nước trong ASEAN có liên quan đến vấn đề Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia phải ngồi riêng với nhau để thảo luận và hỗ trợ nhau, hơn là họp chung tất cả các nước trong khối ASEAN”, bà nói.

Ưu tiên phát triển kinh tế đồng đều

Về tương lai của ASEAN, học giả Australia cho rằng: Sự phát triển kinh tế không đồng đều là một thách thức lớn của ASEAN và khối nên nỗ lực để thúc đẩy kinh tế từng quốc gia cũng như của cả khối. “Tăng cường khả năng phát triển kinh tế của mỗi nước nên là một ưu tiên của ASEAN trong tình hình hiện nay”, bà nhấn mạnh.

Đối với khả năng mục tiêu Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hoàn tất vào năm 2015, có vẻ như vẫn còn không ít hoài nghi. Bà Wood viện dẫn thông tin trên tờ The Economist tháng 5/2014 rằng Báo cáo tiến độ của Ngân hàng Phát triển châu Á và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã kết luận ASEAN “không còn triển vọng tiến gần tới một thị trường chung trong khuôn khổ AEC trong năm 2015 – thậm chí là đến năm 2020 hay 2025”.

Một số thách thức mà bà nêu ra là các thành tựu đạt được chưa thể hiện rõ tính minh bạch, khả năng đạt được các mục tiêu của các nước thành viên ASEAN là không đồng đều, có khoảng cách giữa việc đề ra và thực hiện các khuôn khổ chính sách…

Quan hệ kinh tế thương mại giữa Australia và ASEAN phát triển mạnh mẽ, theo bà Wood. Với dân số hơn 600 triệu người và tiềm lực kinh tế trị giá khoảng 2,4 nghìn tỷ USD đồng thời nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương năng động, ASEAN hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi trong vòng thập kỷ qua (từ 45 tỷ USD tăng lên 92 tỷ USD).

Tuy nhiên, bà Wood nhận định quan hệ đầu tư giữa hai bên vẫn còn hạn chế và cần thiết phải phối hợp phát triển từng ngành cụ thể như nông nghiệp, an ninh lương thực hay mở rộng vào các lĩnh vực khác như năng lượng.

 

“Trải qua nhiều năm, hai bên đã phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực như thương mại, giáo dục, phát triển, an ninh, biến đổi khí hậu và cứu trợ thảm họa… Hiện Australia là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN. Australia ủng hộ việc xây dựng cộng đồng ASEAN và vai trò trung tâm của khối ở khu vực”. (Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh)

“Australia tự hào đã là một trong những quốc gia đầu tiên nhận thấy tầm quan trọng của ASEAN đồng thời là đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN. Hội thảo lần này và các hoạt động kỷ niệm khác do Chính phủ Australia tổ chức cho thấy cam kết của Australia trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ với khối ASEAN và các quốc gia thành viên nhằm hiện thực hóa khát vọng chung của chúng ta: Được sống trong một khu vực có nền hòa bình, an ninh và sự ổn định lâu dài, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và tiến bộ xã hội”. (Bà Nadia Krivetz, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam).


Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn