Câu hỏi: Xin ông cho biết kết quả chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Trả lời: Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân đã thăm chính thức Ấn Độ từ 27-28/10/2014. Trong vòng 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có một chương trình dày đặc các hoạt động quan trọng: Lễ đón, hội đàm hẹp và hội đàm chính thức, dự tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Ấn Độ; hội kiến Tổng thống, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện; gặp gỡ lãnh đạo các đảng chính trị, tiếp một số đoàn doanh nghiệp Ấn Độ, dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, thăm thành phố Gaya và tiếp Thủ hiến bang Bihar. Chuyến thăm của Thủ tướng đã thành công hết sức tốt đẹp, thể hiện qua những kết quả chính và quan trọng sau:
1. Hai bên khẳng định coi trọng quan hệ và nhất trí cao về việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ và văn hóa giáo dục. Thủ tướng Modi và các nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định hai bên nhất quán ủng hộ quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng nhất trong chính sách hướng Đông và Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn ở cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh, kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội; hợp tác giữa các Bộ, ngành, các địa phương và giao lưu nhân dân; khẳng định tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như Ủy ban Liên Chính phủ, Tham khảo Chính trị, Đối thoại chiến lược, Đối thoại Chính sách Quốc phòng, hợp tác kinh tế khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, dầu khí…; thực hiện tốt các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước; thúc đẩy thiết lập các cơ chế hợp tác mới phù hợp với yêu cầu phát triển quan hệ, hợp tác giữa hai nước.
2. Trong việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện, hai bên nhấn mạnh việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa trụ cột về kinh tế, thương mại, đầu tư và quốc phòng an ninh.
- Về kinh tế: Hai bên nhất trí coi tăng cường hợp tác kinh tế là một mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương; phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020. Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ sẵn sàng cho Việt Nam vay khoản tín dụng 300 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu cho một số ngành kinh tế nhằm giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường; đồng ý tạo điều kiện thuận lợi xem xét mở cửa thị trường đối với đầu tư, hàng hóa Việt Nam, nhất là về hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ. Bạn mời doanh nghiệp Việt Nam tham gia các diễn đàn doanh nghiệp tại Ấn Độ, trước mắt là diễn đàn doanh nghiệp ở bang Gujarat và mong muốn hai bên phối hợp tổ chức diễn đàn doanh nghiệp về du lịch tại Bodh Gaya vào đầu năm 2015.
- Về an ninh-quốc phòng: Nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh trên cơ sở các cơ chế và thỏa thuận hợp tác hiện có; tăng cường trao đổi đoàn, đối thoại chính sách quốc phòng, an ninh. Nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tín dụng, đào tạo, nâng cao năng lực quốc phòng, chia sẻ kinh nghiệm về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quốc phòng và an ninh, phối hợp tại các diễn đàn đa phương liên quan như ADMM+, ARF…
- Về các lĩnh vực hợp tác khác: Nhất trí hai bên tăng cường hợp tác kết nối về hàng không và đường biển; nhấn mạnh cần tận dụng cơ hội về việc các hãng hàng không hai nước mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ để đẩy mạnh hợp tác du lịch, thương mại, đầu tư. Jet Airways đã khai trương đường bay thẳng Delhi-Thành phố Hồ Chí Minh. VietJet Air cũng đang đàm phán với đối tác Ấn Độ mở đường bay Hà Nội-Bodh Gaya. Nhất trí tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo…; sớm ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thám; tổ chức hiệu quả Liên hoan hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ hai năm một lần.
3. Hai bên nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên tiếp tục hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế, như ASEAN-Ấn Độ, Cấp cao Đông Á (EAS), hợp tác sông Hằng - sông Mêkông, ASEM, Không liên kết, hợp tác Nam-Nam và Liên hợp quốc; đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước luật biển Liên hợp quốc 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC. Ấn Độ khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, yêu cầu cần bảo đảm tự do hàng hải, hàng không không bị cản trở, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ở Biển Đông… Ấn Độ nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến nhằm xây dựng các cơ chế về duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực này.
4. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có: Biên bản ghi nhớ về Trường Đại học Na-lan-đa (Nalanda); Biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và Trùng tu các công trình kiến trúc Chàm tại Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam; Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm Tiếng Anh và Đào tạo Tin học tại Trường Đại học Thông tin liên lạc tại Nha Trang; Chương trình trao đổi Văn hóa giai đoạn 2015 – 2017; Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát thanh giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Pờ-ra-sa Ba-ra-ti (Prasar Bharati); Thỏa thuận khung hợp tác giữa OVL và PetroVietnam; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa ONGC và PetroVietnam; Hợp đồng nguyên tắc về dự án BOT xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giữa Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) và Công ty đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Ấn Độ (IL&FS). Nhân dịp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao giấy chấp thuận về nguyên tắc việc Ngân hàng Ấn Độ mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam. Hãng hàng không Jet Airways của Ấn Độ cũng tổ chức lễ công bố mở đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam (Mumbai-Bangkok- Thành phố Hồ Chí Minh).
Câu hỏi: Xin ông đánh giá ý nghĩa chuyến thăm cũng như triển vọng quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian tới?
Trả lời: Hai bên đã thể hiện sự tin cậy rất cao trong quan hệ chính trị và các lĩnh vực hợp tác song phương, đồng thời thể hiện sự đồng thuận chung trên các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. Đây là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ. Những kết quả quan trọng nêu trên của chuyến thăm đã làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ và phát triển toàn diện, hiệu quả, chất lượng quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư đến quốc phòng, an ninh, hợp tác dầu khí, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân… Chuyến thăm cũng đã tạo điều kiện để hai nước khai thác các tiềm năng và các lĩnh vực hợp tác mới, tiếp tục hỗ trợ, bổ sung cho nhau trên cơ sở cùng có lợi, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác về nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng cơ sở, điện, dầu khí, vũ trụ, công nghệ, thông tin. Ấn Độ khẳng định hỗ trợ Việt Nam về đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu cho các ngành kinh tế, công nghiệp, mở rộng kết nối hàng không, đường biển… Mục tiêu kim ngạch song phương 15 tỷ USD vào năm 2020 chắc chắn đạt được và Ấn Độ rất có thể sẽ trở thành một trong những nước trong các nước và vùng lãnh thổ hàng đầu đầu tư vào Việt Nam./.