Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 08 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)

MOFA-6/9/2012

Đoàn đại biểu Việt Nam  tham dự Hội nghị

Trong hai ngày 05 và 06 tháng 9 năm 2012, tại thành phố Vla-đi-vô-xtốc, Liên bang Nga, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) với sự đồng chủ tọa của Bộ trưởng Ngoại giao La-vơ-rốp (Lavrov) và Bộ trưởng Phát triển Kinh tế của Liên bang Nga Bê-lu-xốp (Belousov). Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại và các Bộ trưởng liên quan của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) I-e-xa (Yerxa), và các đại diện của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (APEC Bussiness Advisory Council), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Economic Cooperation Council), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum). Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Hội nghị.

Ngay sau Phiên khai mạc  được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị trên đảo Rút-xki, các Bộ trưởng đã tập trung đánh giá việc triển khai các ưu tiên hợp tác APEC trong năm qua. Các Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn, APEC đứng trước nhu cầu cấp bách cần tiếp tục gia tăng hợp tác, thúc đẩy liên kết kinh tế và ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức toàn cầu nhằm phục hồi kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và duy trì vai trò đầu tầu của châu Á – Thái Bình Dương trong nền kinh tế thế giới. Hội nghị khẳng định tăng cường tự do hóa thương mại, đầu tư và liên kết kinh tế khu vực, bảo đảm an ninh lương thực, thiết lập các chuỗi cung ứng đáng tin cậy và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo là những biện pháp quan trọng cần được tiếp tục ưu tiên triển khai.

Qua hai ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị đã thông qua nhiều biện pháp cụ thể  thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, trong đó nổi bật là các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục  đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Bô-go, nỗ lực kết thúc thành công Vòng đàm phán Đô-ha, hợp tác về các vấn đề thương mại và đầu tư  “thế hệ mới”, kết nối chuỗi cung ứng và  thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vừa và  nhỏ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao đồng bộ  chính sách, cải cách cơ cấu, tăng cường vai trò  của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã  hội...

Tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là an ninh lương thực và thiên tai, là những nội dung hàng đầu được quan tâm và thảo luận tại Hội nghị lần này. Các Bộ trưởng nhấn mạnh quyết tâm triển khai cam kết của Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 2 về An ninh lương thực được tổ chức tại Liên bang Nga vào giữa năm nay, tăng cường hợp tác để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, chuyển giao công nghệ sinh học, quản lý bền vững hệ sinh thái.... Nhiều thành viên đề nghị đẩy mạnh hợp tác công – tư, nghiên cứu và áp dụng công nghệ sáng tạo trong nông nghiệp và khuyến khích các thành viên tham gia tích cực Diễn đàn Thông tin châu Á – Thái Bình Dương về an ninh lương thực mà APEC thành lập trong năm nay. Các thành viên chia sẻ nhu cầu gia tăng hợp tác phòng chống, ứng phó với tình trạng khẩn cấp và thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh nhấn mạnh nhu cầu gia tăng hợp tác và đóng góp của APEC trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục biến động khó lường, kinh tế thế giới và ở khu vực phục hồi chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro..., tác động nỗ lực phục hồi kinh tế ở từng quốc gia, quá trình tái cấu trúc kinh tế toàn cầu và thương mại đa phương.

Trên cương vị Việt Nam là đồng Chủ tịch Nhóm công tác APEC về ứng phó với tình trạng khẩn cấp, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã  đề nghị Diễn đàn APEC cần tiếp tục coi hợp tác ứng phó với thiên tai và các tình trạng khẩn cấp là một nội hàm cốt lõi nhằm bảo  đảm an ninh con người và thực hiện Chiến lược tăng trưởng của APEC. Bộ trưởng cũng đề nghị APEC tiếp tục đóng góp tích cực vào các nỗ lực quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khu vực trong lĩnh vực này, đồng thời nêu các sáng kiến của Việt Nam về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng và tăng cường hợp tác APEC về cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tại Phiên họp về an ninh lương thực, Bộ trưởng đã chia sẻ những thành tựu về phát triển nông nghiệp cũng như những đóng góp của Việt Nam trong nỗ lực quốc tế bảo  đảm an ninh lương thực. Bộ trưởng đề nghị  cần gắn kết chặt chẽ việc bảo đảm an ninh lương thực với nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ, ứng phó với biển đổi khí  hậu, khai thác và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn nước, đại dương và  các tài nguyên biển.

Trong Phiên bế mạc vào chiều ngày 06 tháng 9, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 24 và 5 văn kiện kèm theo về các nội dung hợp tác về minh bạch hóa, chuỗi cung ứng đáng tin cậy, sáng tạo, hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Các thành viên đánh giá cao nước chủ nhà Liên bang Nga đã chuẩn bị hết sức chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị. Các kết quả và văn kiện của Hội nghị Bộ trưởng sẽ được trình lên các nhà Lãnh đạo APEC thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20 sẽ diễn ra ngay trong những ngày tới.

* Nhân dịp Hội nghị, vào sáng ngày 06 tháng 9, đã diễn ra Cuộc họp lần thứ 8 của các Bộ trưởng Kinh tế Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các thành viên TPP đã hoan nghênh Ca-na-đa và Mê-hi-cô tham gia đàm phán và nhất trí tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đàm phán để hoàn tất trong thời gian tới.

* Cũng trong thời gian Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các Ngoại trưởng Liên bang Nga, In-đô-nê-xi-a, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Pê-ru, và một số Ngoại trưởng khác. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã có các cuộc gặp với nhiều Bộ trưởng APEC. Tại các cuộc gặp, các Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của quan hệ song phương, và nhất trí tiếp tục làm sâu sắc quan hệ, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời tăng cường ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm./.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer