Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phát biểu của Bộ trưởng tại Diễn đàn Thương mại Đầu tư Việt-Đức

Frankfurt am Main, 19/09/2012

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn

Thưa Ngài Volker Bouffier (Phôi-cờ Bu-phi-ê), Thủ hiến bang Hessen,
Thưa Quý vị và các bạn,

Tôi rất vui mừng thăm CHLB Đức theo lời mời của Ngài Bộ trưởng Ngoại giao Guido Westerwelle (Gui-đô Vét-xtờ-vê-lơ) và tham dự Diễn đàn Thương mại – Đầu tư Việt – Đức tại Frankfurt. Tôi xin chân thành cảm ơn Văn phòng Thủ hiến bang Hessen, Ngân hàng Đức (Deutsche Bank), Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Frankfurt (IHK) cùng các đối tác và bạn bè Đức đã hỗ trợ, phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức Diễn đàn này.

Từ nhiều năm nay, bang Hessen luôn có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển quan hệ Việt – Đức. Là trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu châu Âu và Đức, Hessen nói chung và Frankfurt nói riêng có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực Việt Nam mong muốn hợp tác như tài chính-ngân hàng, công nghệ cao, hàng không, chế tạo, v.v… Đó là lý do chúng tôi có mặt ở Frankfurt hôm nay, và càng có ý nghĩa hơn khi Diễn đàn của chúng ta diễn ra ngay tại trụ sở của Ngân hàng Đức (Deutsche Bank), một biểu tượng của ngành tài chính Đức và Frankfurt, với mong muốn trao đổi với các bạn về các biện pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Đức.

Thưa Ngài Thủ hiến,
Thưa Quý vị và các bạn,

Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Đức đang không ngừng phát triển, ngày càng trở nên hiệu quả và toàn diện. Trước khi rời Hà Nội tới đây tôi đã có cuộc trao đổi rất cởi mở và thẳng thắn với Ngài Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức, và ngày mai tôi sẽ có cuộc gặp với Ngài Bộ trưởng Ngoại giao Đức về quan hệ giữa hai nước. Tôi vui mừng nhận thấy rằng việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư là quan tâm và ưu tiên cao không chỉ của Chính quyền mà còn của đông đảo các doanh nghiệp Đức.

Về phía chúng tôi, Việt Nam coi Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm Đức của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm 2008 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel năm 2011.

Về thương mại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU, là cửa ngõ trung chuyển quan trọng hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Năm 2011, mặc dù chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ châu Âu và sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, thương mại Việt Nam – Đức vẫn tăng 33%, đạt gần 5,6 tỷ USD. Trong 6  tháng đầu năm 2012, trao đổi thương mại hai nước đạt 2,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 1,9 tỷ USD, nhập khẩu của Đức vào Việt Nam đạt 0,9 tỷ USD. Thời gian tới, trao đổi thương mại Việt- Đức sẽ còn phát triển hơn nữa trên cơ sở Việt Nam và EU vừa ký Hiệp định hợp tác đối tác toàn diện (PCA) và chuẩn bị đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Về đầu tư, hiện khoảng 290 doanh nghiệp Đức đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với số vốn đăng ký khoảng 905 triệu USD, đứng thứ 24/93 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức như Siemens, Metro, Mercedes-Benz, Deutsche Bank.v.v… đã có mặt ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất nỗ lực đầu tư vào Đức với 11 dự án có số vốn đăng ký gần 31 triệu USD như dự án Ngôi nhà Việt (Viethaus), Chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) tại Frankfurt và Berlin, v.v... Đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng, bởi quy mô đầu tư của Đức vào Việt Nam cũng như của Việt Nam sang Đức còn khiêm tốn so với tiềm lực tài chính, công nghệ và sức mua của thị trường Đức, cũng như chưa tương xứng với mong muốn của chính phủ và doanh nghiệp hai nước.

Năm 2011 ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt-Đức khi hai nước thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai” nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hai nước cũng đã thông qua Kế hoạch hành động chiến lược bao gồm nhiều dự án hợp tác quan trọng về chính trị, kinh tế, pháp luật, giáo dục, môi trường, khoa học- công nghệ, v.v..., tạo xung lực thúc đẩy quan hệ song phương. Phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức đòi hỏi không chỉ nỗ lực của Chính phủ hai nước mà cả sự ủng hộ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Trong lĩnh vực kinh tế, quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức được biểu hiện bằng gắn kết lợi ích lâu dài và bền vững giữa hai nền kinh tế cũng như giữa các doanh nghiệp hai nước. Tôi cho rằng các doanh nghiệp Đức và Việt Nam đang nắm một sứ mệnh quan trọng, đồng thời đứng trước những cơ hội hợp tác rất lớn và mong các bạn hãy tranh thủ tốt cơ hội này vì lợi ích của hai nước và của chính các bạn.

Thưa Ngài Thủ hiến,
Thưa Quý vị và các bạn,

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, Việt Nam đang nỗ lực trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất ở châu Á và đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Chúng tôi đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 với trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Trên cơ sở đó và trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và bất ổn, việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đức là phù hợp lợi ích của cả hai bên, trong đó các doanh nghiệp hai nước vừa là cầu nối, vừa là động lực cho sự hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Tôi cho rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và tin cậy cho các doanh nghiệp Đức vì:

Thứ nhất, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh với 90 triệu người tiêu dùng, đang chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, có môi trường chính trị- xã hội ổn định, có lực lượng lao động trẻ dồi dào, thông minh, cần cù và trên hết là khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Chính phủ Việt Nam nhất quán đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Đức, làm ăn lâu dài, hiệu quả và bền vững ở Việt Nam. Tôi tin rằng trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10 tới, Ngài Thủ hiến và các doanh nghiệp Đức tháp tùng Ngài sẽ cảm nhận được môi trường đầu tư và không khí kinh doanh sôi động ở Việt Nam.

Thứ hai, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư và thương mại mới trong các lĩnh vực doanh nghiệp Đức có lợi thế như cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chế tạo- cơ khí, năng lượng tái tạo, môi trường…

Riêng với các nhà đầu tư bang Hessen, ngoài các lĩnh vực trên, chúng tôi mong muốn các bạn quan tâm, đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của các bạn và Việt Nam có nhu cầu, như dược phẩm, hóa chất, chế tạo máy, tài chính – ngân hàng. 

Chúng tôi mong muốn trao đổi kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý với các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển cao như Đức. Đối với người Việt Nam, thương hiệu hàng hóa và công nghệ Đức luôn được ưa chuộng và tin cậy. Với khoảng 125.000 người Việt đang sinh sống tại Đức và Việt Nam có số người nói tiếng Đức nhiều nhất ở châu Á với khoảng 100.000 người, hai nước có mối liên hệ gần gũi để tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa và xã hội. Đây cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp Đức khi đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, mà ít thấy ở các nước châu Á khác.

Thứ ba, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức đang tạo nên xung lực mới cho hợp tác kinh tế giữa hai nước. Có lẽ, chưa bao giờ các doanh nghiệp hai nước nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ hai nước như hiện nay. Không có lý do gì các doanh nghiệp Đức và Việt Nam không thể đến được với nhau khi lợi ích chiến lược và lâu dài của hai nước đang ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau.

Thứ tư, Việt Nam có đội ngũ lao động được đào tạo tốt, nhiều người đã từng học tập và làm việc tại Đức. Các doanh nghiệp Đức có ưu thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Sự kết hợp giữa “chất Đức” và “chất Việt” sẽ tạo nên lợi thế khác biệt đem lại sự thành công trong hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước..

Thưa Ngài Thủ hiến,
Thưa Quý vị và các bạn,

Tham dự Diễn đàn có đại diện một số Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp từ các vùng, miền của Việt Nam. Đây là những địa phương và doanh nghiệp năng động, đang tích cực hội nhập quốc tế và mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đối tác Đức. Với tinh thần thẳng thắn và chân thành, chúng tôi mong muốn trao đổi và lắng nghe những ý tưởng, đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp Đức về các biện pháp, dự án hợp tác kinh tế. Tôi được biết sáng nay các bạn đã có những cuộc trao đổi cởi mở, thiết thực và hiệu quả. Điều này cho thấy sự quan tâm cao của doanh nghiệp và địa phương hai bên trong việc tăng cường hợp tác, vì lợi ích của chính các doanh nghiệp và quan trọng hơn là vì lợi ích thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta.  Hessen và Frankfurt là một cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thị trường Đức và châu Âu, thì Việt Nam cũng sẵn sàng là một cửa ngõ để các doanh nghiệp Đức và Hessen thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn của ASEAN và Châu Á- Thái Bình Dương.

Thành công của Quý vị và các bạn là thành công của chúng tôi. Bộ Ngoại giao Việt Nam và cá nhân tôi luôn đồng hành, ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ các bạn.

Xin chúc Ngài Thủ hiến và các bạn sức khỏe. Chúc Diễn đàn của chúng ta thành công tốt đẹp./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer