Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Đăng cai các hoạt động của Diễn đàn APEC năm 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam

(MOFA) - Sáng ngày 24 tháng 6, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Năm APEC Việt Nam 2017: Hướng tới cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết” do Bộ Ngoại giao phối hợp Ban Thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh (Ảnh: VGP)

Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên với quy mô lớn để trao đổi về ý nghĩa và công tác chuẩn bị đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ 25 và các hoạt động của Diễn đàn APEC ở Việt Nam trong năm 2017.

Tham dự Hội thảo có Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về APEC Việt Nam 2006; Giám đốc điều hành Ban

Thư ký APEC Tiến sĩ A-lan Bô-la (Alan Bollard); Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC của Ốt-xtrây-lia A-lan Ốt-xly (Alan Oxley); Tổng thư ký Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) Ê-đua-đô Pê-đờ-rô-sa (Eduardo Pedrosa); Thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) Mô-ni-ka Uây-ly (Monica Whaley); cùng Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu APEC Đê-nít Hưu (Denis Hew). Lãnh đạo và đông đảo đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam đã đến dự. 

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, trong hơn 25 năm hình thành và phát triển, Diễn dàn APEC đã khẳng định là một cơ chế hợp tác kinh tế  hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, dẫn dắt tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác và liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. Trong những thập kỷ tới, vai trò APEC càng không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình. APEC đang chuyển mình căn bản với nội hàm liên kết sâu rộng, thiết thực, và là cơ chế điều phối, gắn kết các liên kết khu vực. Ý thức về một Cộng đồng APEC ngày càng được tăng cường bởi lợi ích chung về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng. 

 Phó Thủ tướng nhấn mạnh Diễn đàn APEC luôn có tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây chính là nơi hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược, đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, đem lại 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 79% tổng giá trị thương mại quốc tế và 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 13 trong 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác APEC.

Phó Thủ tướng khẳng định việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện quyết tâm của Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. Với  thế và lực của đất nước không ngừng nâng cao và kinh nghiệm tổ chức thành công năm 2006, việc lần thứ hai đăng cai Năm APEC là đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với Diễn đàn trong bối cảnh mới, hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của APEC (1998 – 2018). Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cùng các thành viên Cộng đồng ASEAN vun đắp tình hữu nghị, hợp tác và gắn kết với các đối tác, các doanh nghiệp, bè bạn khu vực. Các hoạt động APEC 2017 có ý nghĩa thiết thực tranh thủ nguồn lực quốc tế phục vụ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, tạo thêm nhiều cơ hội cho các vùng miền, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nước ta phát triển, giao lưu, quảng bá về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, nhiều tiềm năng, đang trên con đường hội nhập toàn diện với tâm thế mới.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần kịp thời đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành, chuyển mạnh sang tư duy “chủ động đóng góp và tích cực đề xuất ý tưởng, sáng kiến”, thúc đẩy các quan tâm chung, ưu tiên chung, nỗ lực gia tăng các điểm đồng, hài hòa khác biệt. Các cơ quan, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt các xu thế, đẩy mạnh nghiên cứu để đề xuất ý tưởng, sáng kiến cụ thể cho Năm APEC 2017. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò thiết yếu của cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động của APEC, nhất là khởi xướng, thúc đẩy các ý tưởng mới, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối... Để Năm APEC 2017 thành công, cần khẩn trương hình thành đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp, báo chí, tình nguyện viên, đội ngũ phục vụ… có đủ năng lực, kỹ năng và tâm huyết.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Tiến sĩ A-lan Bô-la đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam đối với hợp tác APEC trong hơn 15 năm qua, cũng như ý nghĩa của Năm APEC 2017. Ông cũng khẳng định các thành viên APEC sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017.

Các diễn giả chia sẻ đánh giá, kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, môi trường an ninh, phát triển đang chuyển biến nhanh, phức tạp hơn và các thách thức toàn cầu gay gắt hơn. Nền tảng kinh tế nói chung và cấu trúc thương mại, đầu tư nói riêng sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ trên tầm toàn cầu và ở khu vực. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu, tạo nhiều cơ hội cũng như thách thức mới đối với APEC và các nền kinh tế thành viên. Đứng trước nhu cầu đổi mới, cải cách và để duy trì vị thế, APEC sẽ liên kết sâu rộng hơn, gắn với phát triển bền vững, tái cơ cấu, các vấn đề toàn cầu và các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới. Các nền kinh tế thành viên tiếp tục coi trọng vai trò của Diễn đàn trong phát triển và chính sách đối ngoại.

Các diễn giả và đại biểu tin tưởng rằng, với 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công Năm APEC 2006, Việt Nam sẽ đảm nhận xuất sắc vai trò chủ nhà APEC 2017. Đại diện các Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước cũng chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm trong tham gia hợp tác APEC, đồng thời nêu rõ quyết tâm khắc phục kịp thời những bất cập trong tư duy, cách thức phối hợp liên ngành, thiếu chủ động trong đề xuất ý tưởng, sáng kiến mới, sự tham gia còn hạn chế của các doanh nghiệp…

Hội thảo đã nêu nhiều đề xuất, khuyến nghị cụ thể về các lĩnh vực, ưu tiên Việt Nam cần thúc đẩy trong hợp tác APEC năm 2017, nâng tầm đóng góp của các doanh nghiệp cũng như các biện pháp cần triển khai để tổ chức thành công Năm APEC 2017.

Thành lập tháng 11/1989, Diễn đàn APEC đã trải qua 4 lần mở rộng thành viên và ngày nay hội tụ 21 nền kinh tế năng động nhất của châu Á – Thái Bình Dương. APEC hiện đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Trong thời gian qua, các thỏa thuận của APEC đã góp phần giảm gần 3 lần mức thuế quan trung bình ở khu vực và tăng 7 lần thương mại hàng hóa nội khối. Kể từ khi trở thành thành viên của Diễn đàn APEC ngày 15/11/1998, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực, nổi bật là đăng cai thành công Hội nghị cấp cao và các hoạt động APEC năm 2006, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 14 tháng 9/2014, đề xuất và triển khai hơn 80 sáng kiến, dự án trên nhiều lĩnh vực hợp tác./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer