Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 28 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

AMM-48 và các Hội nghị liên quan: Nhiều nội dung, nhiều ý nghĩa

(TG&VN) - Từ ngày 3-6/8 diễn ra một loạt Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao (BTNG) ASEAN và các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác bao gồm các Hội nghị: BTNG ASEAN (AMM-48), BTNG Diễn đàn Đông Á (EAS FMM-5), BTNG ASEAN+3 (APT FMM -16), BTNG Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF-22) và mười hội nghị BTNG ASEAN với từng nước Đối tác Đối thoại (PMC+1) gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Australia, New Zealand, EU và Canada.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại Lễ khai mạc AMM-48 tại Malaysia.

Mặc dù là sự kiện mang tính thường kỳ nhưng các Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là các Hội nghị Bộ trưởng cuối cùng trước thời điểm ASEAN sẽ hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Những quyết sách được đưa ra tại các Hội nghị lần này cũng sẽ là cơ sở để các Lãnh đạo ASEAN quyết định về vấn đề này tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 (tháng 11/2015).

AC-Nội dung bao trùm

Cộng đồng ASEAN (AC) là nội dung bao trùm của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM-48).

Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, các Bộ trưởng hoan nghênh những kết quả đạt được trong thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, khẳng định quyết tâm hoàn thành các biện pháp còn lại để bảo đảm hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Các Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục nỗ lực, ở cả cấp khu vực và quốc gia để thực hiện các kế hoạch đề ra, kể cả về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển; cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN; tăng cường công tác tuyên truyền về ASEAN. Các Bộ trưởng nhất trí cần khẩn trương xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 có chất lượng để trình Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 (tháng 11/2015) thông qua.

Về quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN, các Bộ trưởng nhất trí cần tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước đối tác; xem xét thuận lợi đề nghị nâng cấp quan hệ của một số đối tác. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy vai trò trung tâm ASEAN, tăng cường đoàn kết nội khối, nhất là trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoà bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực. Các Bộ trưởng nhất trí cần thúc đẩy hình thành cấu trúc khu vực trên cơ sở các diễn đàn và cơ chế hiện có của ASEAN; xem xét dự thảo Kế hoạch công tác về Tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN.

Biển Đông là quan tâm chung

Vấn đề Biển Đông đã trở thành trọng tâm tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan. Phát biểu trong phiên khai mạc AMM-48 ngày 4/8, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng đã đến lúc ASEAN cần phải có vai trò tích cực hơn trong việc giữ gìn an ninh khu vực và cả giải quyết những tranh chấp lãnh thổ (ở khu vực này). "Chúng ta đang chứng kiến những vấn đề không mấy tốt đẹp xảy ra ở Biển Đông, làm ảnh hưởng đến an ninh và ổn định mà chúng ta cố gắng duy trì mấy thập kỷ qua", ông nói. Người đứng đầu Chính phủ Malaysia nhấn mạnh các nước Đông Nam Á phải làm trung tâm và có "tiếng nói thống nhất" để giải quyết những vấn đề gai góc của khu vực.

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tại cuộc họp khẳng định, ASEAN cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để cho mọi người thấy rõ những nỗ lực của các bên trong việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa, cho rằng những hành động này đã làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; nhất trí cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông.

Trao đổi với báo giới về Phiên họp toàn thể và Phiên họp hẹp của AMM-48 cùng ngày, ông Aman cho biết, vấn đề Biển Đông đã được "thảo luận một cách rộng rãi" trong suốt các cuộc họp. Theo ông Aman, các Ngoại trưởng ASEAN đang kêu gọi sự kiềm chế trong việc giải quyết tranh chấp và tìm cách "triển khai những biện pháp phòng ngừa" để đảm bảo bất đồng giữa những quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn không bùng phát thành xung đột khu vực.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết, một bản dự thảo Tuyên bố chung dự kiến được công bố sau khi Hội nghị kết thúc (ngày 6/8) sẽ nêu bật thái độ quan ngại của ASEAN trước diễn biến mới đây tại Biển Đông, được cho là có khả năng "phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".

Đóng góp của Việt Nam

Tiếp tục phát huy vai trò của một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã tham gia thảo luận tất cả nội dung quan trọng của Hội nghị. Trong các phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Cộng đồng ASEAN ra đời là sự chuyển biến có tính chất chiến lược, phản ánh nhu cầu cấp thiết của việc nâng liên kết ASEAN và khu vực lên mức cao hơn nhằm phục vụ mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và vì lợi ích người dân khu vực. Nêu rõ thuận lợi và thách thức đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần đẩy mạnh liên kết sâu rộng hơn và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực.

Phó Thủ tướng đề nghị từng nước thành viên đầu tư nỗ lực và nguồn lực lớn hơn cho triển khai các dòng hành động còn lại trong cả ba trụ cột, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Kế hoạch công tác Sáng kiến IAI, giai đoạn hai; thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, tăng cường vai trò trung tâm ASEAN, nhất là trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh ở khu vực, xử lý hiệu quả thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống; tiếp tục thúc đẩy đoàn kết và thống nhất ASEAN, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN, tăng cường Ban Thư ký ASEAN, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá cả ở tầm quốc gia và khu vực để nâng cao nhận thức về ASEAN.

Về việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Tầm nhìn cần có chất lượng và mang tầm chiến lược, bảo đảm đưa liên kết ASEAN lên mức cao hơn, sâu rộng hơn, tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; các Kế hoạch hành động triển khai Tầm nhìn cần đề ra những cách thức, biện pháp khả thi, cơ chế huy động nguồn lực phù hợp và cơ chế giám sát hiệu quả việc thực hiện.

Tại các Hội nghị ASEAN với các đối tác, Phó Thủ tướng đã nêu các đề nghị cụ thể nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc thêm hợp tác, trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng đối tác, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN.

Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng chia sẻ quan ngại về diễn biến gần đây ở Biển Đông; đề nghị ASEAN cần phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm, tăng cường đoàn kết và vai trò chủ đạo của Hiệp hội, thúc đẩy các bên tuân thủ các nguyên tắc chung đã được nhất trí, nhất là các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (1982); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là Điều 5 và đi vào thảo luận thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu quả.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer