Phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị.
Thưa các đồng chí,
Trước hết, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Lãnh đạo các bộ, ban, ngành của trung ương, các đồng chí lãnh đạo các địa phương, các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, và toàn thể các đồng chí đại biểu đến dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 ngày hôm nay.
Đây là lần thứ ba Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc được tổ chức cùng Hội nghị Ngoại giao để các đại biểu địa phương có dịp tham dự Hội nghị lớn nhất của ngành ngoại giao, để chúng ta cùng nắm bắt “hơi thở” của tình hình quốc tế và khu vực, và quan trọng hơn, là cùng đề ra các biện pháp triển khai công tác đối ngoại thống nhất từ trung ương tới địa phương trong cả nước.
Thưa các đồng chí,
Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn không ít khó khăn. Nhiệm vụ đối ngoại là rất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, và địa phương, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mở ra những vận hội mới cho đất nước.
Trong thành tựu chung đó, công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.
Có được kết quả này là nhờ công tác đối ngoại của địa phương đã đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước. Công tác đối ngoại của địa phương đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành trung ương, trong đó có vai trò nòng cốt của Bộ Ngoại giao. Các cơ quan ngoại vụ địa phương đã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu cho tỉnh ủy, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại.
Tuy vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận tiến trình hội nhập quốc tế ở cả cấp trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế. Tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm. Nhiều tỉnh, thành chưa gắn hội nhập với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương, chưa xây dựng chương trình hành động của triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết này (mới có 41/63 tỉnh, thành có chương trình hành động). Điều này cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.
Chúng ta cũng chưa tranh thủ được cơ hội của hội nhập để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường từ hội nhập quốc tế sâu rộng. Năng suất, trình độ công nghệ và quản trị còn thấp, chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường.
Thưa các đồng chí,
Trong môi trường quốc tế đang chuyển biến rất nhanh và sâu sắc, tất cả các nước lớn, nhỏ đều đứng trước nhu cầu tăng cường hợp tác, liên kết để cùng phát triển và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định. Chúng ta đang chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ trong nền tảng kinh tế thế giới, cũng như trong tương quan lực lượng quốc tế. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng liên kết kinh tế ở nhiều cấp độ. Trước xu thế đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra đường lối đối ngoại với mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là “giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; bảo đảm an ninh quốc gia; mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”.
Để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XII, ngành ngoại giao từ trung ương đến địa phương phải hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với tư duy đổi mới mạnh mẽ, nhạy bén, khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và các Nghị quyết đại hội Đảng bộ của địa phương thành chính sách, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với từng đối tác, trong từng lĩnh vực, nhất là về kinh tế.
Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành liên quan cần chủ động phối hợp, đồng hành, gắn kết chặt chẽ với các địa phương để triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại, bảo đảm đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước được thực hiện nhất quán , hiệu quả từ trung ương đến địa phương. Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ phát triển và hội nhập” diễn ra vào lúc các cấp, các ngành và các địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; là dịp để các Bộ, Ban, ngành trung ương, các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong Bộ Ngoại giao đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17 đến nay; đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn tới.
Hội nghị Ngoại vụ 18 chỉ diễn ra trong một ngày. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta cần thảo luận thực chất, hiệu quả, đánh giá thẳng thắn, khách quan về những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác đối ngoại tại địa phương hiện nay, đề ra các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là những biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ chế phối hợp, gắn kết giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương. Theo đó, tôi đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận theo một số định hướng lớn sau đây:
Thứ nhất, cần quyết liệt trong việc đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, xác định đây là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; cần triển khai mạnh định hướng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của địa phương, coi đây là nhiệm vụ chung của các tất cả các sở, ban, ngành. Các địa phương cần gắn hội nhập quốc tế với chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể của địa phương mình.
Đề nghị các địa phương cho biết Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải làm gì để phục vụ, đồng hành, kết nối, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa trong việc triển khai công tác đối ngoại của địa phương.
Thứ hai, các địa phương cần tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, đối tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động, du lịch.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, các doanh nghiệp và người dân cần nắm rõ các cam kết, thỏa thuận kinh tế mà nước ta tham gia ký kết để “đón đầu”, chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện các cam kết này, tận dụng tối đa các cơ hội mà các thoả thuận đó đem lại.
Đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, cùng phối hợp với trung ương tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại lớn được tổ chức tại địa phương mình (như khi ta tổ chức các hội nghị APEC vào năm 2017 tới, hay khi có đoàn cấp cao nước ngoài thăm địa phương), coi đây là cơ hội để quảng bá về địa phương, thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch.
Đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam theo dõi sát các thị trường nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp lựa chọn đối tác đầu tư, cảnh báo sớm cho các địa phương về khả năng xảy ra tranh chấp thương mại, cảnh báo về những nhà đầu tư không có năng lực, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm tiêu chí môi trường.
Thứ ba, đề nghị các địa phương cùng phối hợp với các bộ, ngành trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại thường xuyên, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, FDI, tăng cường công tác quản lý biên giới lãnh thổ (đối với các địa phương có biên giới trên bộ, biển, đảo), thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và công tác phi chính phủ nước ngoài.
Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ biên-phiên dịch để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của Cơ quan ngoại vụ địa phương. Đối với các tỉnh chưa thành lập Sở Ngoại vụ, đề nghị căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương chủ động thúc đẩy việc thành lập Sở để có bộ máy chuyên trách, tham mưu giúp việc hiệu quả cho lãnh đạo tỉnh trong công tác đối ngoại.
Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó cho ngành đối ngoại, tôi tin tưởng rằng Hội nghị Ngoại vụ 18 và Hội nghị Ngoại giao 29 sẽ là các Hội nghị của quyết tâm hành động.
Tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp; chúc toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |