Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18: Hội nghị của các quyết tâm hành động
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị
Được tổ chức 02 năm một lần trước thềm Hội nghị Ngoại giao, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc là dịp để các đại biểu đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác đối ngoại địa phương. Hội nghị cũng đề ra những phương hướng, biện pháp lớn đưa công tác đối ngoại địa phương phát triển thực chất, hiệu quả hơn, đóng góp thiết thực hơn vào phát triển kinh tế - chính trị - xã hội, vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh vào thời điểm các ngành và các địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 là "Hội nghị của các quyết tâm hành động" trong đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, đẩy mạnh triển khai công tác đối ngoại, công tác ngoại vụ thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao công tác đối ngoại địa phương đã có những bước phát triển toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu. Các địa phương đã chủ động mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy thương mại - đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu...đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và của đất nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận tiến trình hội nhập quốc tế tại một số địa phương vẫn còn chuyển biến chậm, nhiều hạn chế, chưa tranh thủ được cơ hội của hội nhập để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế... Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu thảo luận về vai trò “kiến tạo” của Bộ Ngoại giao để Bộ Ngoại giao đồng hành, kết nối, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa trong việc triển khai công tác đối ngoại của địa phương.
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao, các Bộ, Ban, ngành liên quan và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã rất tích cực đồng hành và có nhiều sáng kiến để hỗ trợ quảng bá, kết nối hiệu quả địa phương Việt Nam với địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều đại biểu cũng ghi nhận sự hỗ trợ quan trọng của Bộ Ngoại giao và của gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong vai trò là cầu nối với bạn bè quốc tế. Theo đó, các địa phương đã có điều kiện nắm bắt tình hình, tiếp cận các đối tác nước ngoài để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, phát triển tình hình mọi mặt tại địa phương. Tuy nhiên bên cạnh đó, một số ý kiến cũng nhìn nhận những chuyển biến nhanh, mạnh ở khu vực và trên thế giới cũng đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác chỉ đạo, định hướng, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Những vướng mắc, khó khăn trong triển khai công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong các công tác chuyên môn về biên giới lãnh thổ, bảo hộ công dân, văn hóa đối ngoại, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, và kiện toàn bộ máy cơ quan ngoại vụ địa phương cũng là chủ đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Các đại biểu cho rằng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đối ngoại, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại, củng cố cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương. Về vai trò của Bộ Ngoại giao, các đại biểu đề nghị Bộ Ngoại giao đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ, thiết lập hợp tác với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ đẩy mạnh việc triển khai các thoả thuận hợp tác, các công tác về ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài...để qua đó góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, mở ra những vận hội mới cho đất nước.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết Bộ Ngoại giao và các lãnh đạo các địa phương cũng đều nhất trívà thể hiện quyết tâm trong việc nâng cao vai trò, vị trí của Cơ quan ngoại vụ địaphương. Các địa phương cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, tăngcường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữbiên-phiên dịch để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thời gian qua, đó là tập trungxây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển và hành động.
Nhân dịp này, các đại biểu đã nhất trí thông qua Định hướng công tác đối ngoại địa phương giai đoạn 2016-2018. Lãnh đạo Bộ ngoại giao cũng đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao” và Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp và thành tích nổi bật trong công tác đối ngoại địa phương./.
Back Top page Print Email |