Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29
Tham dự lễ khai mạc còn có các đồng chí: Đinh Thế Huynh – Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội, Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Quốc phòng, Tô Lâm – Bộ trưởng Công an, Trương Thị Mai – Trưởng ban Dân vận Trung ương, Võ Văn Thưởng – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành; các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao; các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và trên 400 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của các địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến mới rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường; môi trường đối ngoại chiến lược đang nổi lên những thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của đất nước ta. Tình hình quốc tế thời gian tới sẽ tiếp tục vận động, phức tạp và đa chiều ơn với các đặc trưng là tốc độ, đổi mới, kết nối, hội nhập và phát triển bền vững.
Do đó, Hội nghị Ngoại giao lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp kiểm điểm công tác đối ngoại, đánh giá những việc làm được, những việc cần làm tốt hơn trong 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng như hơn 2 năm triển khai Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, rút ra kinh nghiệm, trên cơ sở đó tổ chức quán triệt và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận cách thức triển khai công tác đối ngoại trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; kiến nghị những biện pháp hữu hiệu; đổi mới và sáng tạo hơn trong việc sử dụng các công cụ đối ngoại, hướng tới kết quả cụ thể trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Vũ Xuân Hồng đã phát biểu. Các phát biểu nhấn mạnh những thành tựu đối ngoại đã đạt được từ sau Hội nghị Ngoại giao 28 đến nay, đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại. Các phát biểu cũng nêu những đánh giá, nhận định về tình hình thế giới, khu vực, đề xuất những phương hướng, biện pháp để đẩy mạnh công tác đối ngoại, thực hiện thành công những nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội Đảng XII.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo, nêu rõ hơn 70 năm qua, ngoại giao Việt Nam đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định vai trò của đối ngoại là một phương thuốc hòa bình, thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp.
Tổng Bí thư hoan nghênh và biểu dương những thành tựu của toàn ngành đối ngoại trong nhiều năm qua. Hoạt động đối ngoại đã góp phần duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng và nâng lên tầm cao mới các quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều quốc gia. Hoạt động đối ngoại cũng góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; ngành Ngoại giao đã đóng vai trò tiên phong trong thời bình, góp phần bảo vệ an ninh, độc lập và chủ quyền đất nước. Hội nhập quốc tế được triển khai mạnh và hiệu quả, trên tất cả các kênh gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân, diễn ra trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối ngoại cũng đóng góp thiết thực và việc tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đàm phán thành công các hiệp thương mại tự do…Công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có những chuyển biến rõ rệt; các cơ quan đại diện đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công dân, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của cộng đồng.
Nhấn mạnh ý nghĩa rất quan trọng của Hội nghị Ngoại giao lần này, Tổng Bí thư nêu rõ Hội nghị diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hai sự kiện đã để lại những bài học vô giá về vị trí, vai trò của ngoại giao trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hội nghị là dịp để nhìn lại quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XI về đối ngoại, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XII và đề xuất các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm trong những năm tới. Đồng thời, đây cũng là dịp để các cán bộ đối ngoại nhận thức rõ hơn về tình hình, vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới, tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo xung lực mới cho toàn ngành và từng cá nhân.
Tổng Bí thư căn dặn phải nắm vững và áp dụng nhuần nhuyễn các bài học rút ra từ quá trình triển khai hoạt động đối ngoại. Làm sao phải kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc với nghĩa vụ quốc tế; lơi ích quốc gia dân tộc chúng ta lúc này là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi. Bài học kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”… Tổng Bí thư cũng chỉ rõ đối ngoại chỉ thành công khi xây dựng được sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Sự nghiệp thành công bởi chữ đồng”. Đồng thời cần chú trọng đến công tác xây dựng ngành và công tác cán bộ; những nỗ lực, tích cực trên mặt trận đối ngoại thời gian qua đã tạo ra một thế hệ cán bộ đối ngoại ngày càng hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên. Và cuối cùng Tổng Bí thư nhấn mạnh bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; các cơ quan lãnh đạo của Đảng đã cùng các cơ quan tham mưu chứng tỏ nhạy bén trong nhận định và nắm bắt tình hình, quyết đoán trong việc đưa ra các biện pháp, chính sách cụ thể.
Tổng Bí thư nêu rõ nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ vô cùng trọng đại và toàn bộ ngành ngoại giao đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ to lớn. Trước hết là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, góp phần thiết thực giải quyết những thách thức và nguy cơ tụt hậu qua việc tăng cường nghiên cứu, dự báo về những diễn biến trước mắt và dài hạn của kinh tế khu vực và thế giới, đưa các hiệp định tự do thế hệ mới vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất và hạn chế tối đa tác động bất lợi. Cùng với nhiệm vụ phát triển, ngoại giao cần góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; do đó cần hết sức nhạy bén trong dự báo tình hình, nắm vững các quan điểm chỉ đạo về quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh, phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao thực lực và vị thế của Việt Nam, không chỉ là sức mạnh vật chất mà cả sức mạnh mềm. Theo đó, trong triển khai cần hết sức chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống và các nước lớn, củng cố đoàn kết và nâng cao vai trò của ASEAN, tăng cường hợp tác với nước lớn trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Ngoại giao cũng cần đi đầu, phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam, các giá trị văn hóa, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Cuối cùng, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm việc theo gương nhà ngoại giao lỗi lạc Hồ Chí Minh cũng như xây dựng ngành, củng cố đội ngũ theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu dự Hội nghị quán triệt các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, tập trung tâm huyết và trí tuệ để làm rõ những kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại, triển khai thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tiếp tục làm việc đến ngày 26/8/2016./.
Back Top page Print Email |