Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mê Công - sông Hằng lần thứ 9
Về tình hình hợp tác thời gian qua, các Bộ trưởng hài lòng với tiến trình triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2018, nổi bật là các lĩnh vực đào tạo, 900 suất học bổng mỗi năm, xây dựng Trung tâm dữ liệu chung tại Đại học Nalanda, Ấn Độ và triển khai các dự án sử dụng Quỹ hiệu quả nhanh. Hội nghị cũng hoan nghênh các hoạt động hợp tác được tổ chức tại Ấn Độ, nổi bật là Đối thoại chính sách MGC lần thứ 1 về tăng cường kết nối (4/2017), các cuộc họp Nhóm công tác chung lần thứ 1 về doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (9/2017) và về chia sẻ thông tin và quản lý bệnh truyền nhiễm (11/2017), và Diễn đàn Doanh nghiệp MGC lần thứ nhất (1/2018).
Về định hướng hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, văn hóa và giao thông, đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác về doanh nghiệp, y tế và nguồn nước. Một số hoạt động cụ thể được đề xuất gồm xây dựng Trung tâm dữ liệu chung tại Đại học Nalanda; Hội nghị về Chất mầm nguyên sinh gạo; các hoạt động đào tạo, quảng bá du lịch; hội chợ thương mại MGC. Hội nghị ghi nhận mong muốn của Ấn Độ tham gia hợp tác với Ủy hội sông Mê Công (MRC), nhất là về chia sẻ kinh nghiệm thu thập dữ liệu nguồn nước, và đề xuất tổ chức Hội nghị quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước lần thứ 1 tại New Delhi trong năm 2018. Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê Công – Sông Hằng lần thứ 10 tại Thái Lan trong năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao các hoạt động mà hợp tác MGC đã triển khai trong năm qua và cảm ơn sự hỗ trợ của Ấn Độ dành cho tiểu vùng Mê Công. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh với chính sách “Hành động hướng đông” của Ấn Độ và chiến lược phát triển “hướng ra bên ngoài” của các nước Mê Công, tiềm năng hợp tác của hai bên còn rất lớn, đồng thời đề xuất các lĩnh vực chính mà hợp tác MGC cần tập trung thời gian tới như sau: (i) Tăng cường hợp tác kết nối, nhất là mở rộng hành lang Kinh tế Đông – Tây. Hành lang Kinh tế phía Nam tới Ấn Độ, mở rộng tuyến đường cao tốc Ấn Độ - Mi-an-ma – Thái Lan tới Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam; đồng thời đề nghị khởi động thảo luận về thỏa thuận giao thông đường bộ; (ii) Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư thông qua xóa bỏ các ràn cản thương mại, xúc tiến thương mại, hợp tác về thông quan, kiểm dịch; (iii) Nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về ngăn ngừa thảm họa và các sự cố trên sông Mê Công thông qua phát triển các “cơ sở hạ tầng có chất lượng”, triển khai các biện pháp, xây dựng khuôn khổ pháp lý đánh giá và quản lý rủi ro. Các nước thượng nguồn và hạ nguồn đều có trách nhiệm tăng cường hợp tác, đưa ra các giải pháp chung và hành động cùng nhau hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đặc biệt là hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Hoan nghênh Ấn Độ tham gia hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế
Back Top page Print Email |