- Với Hàn Quốc: Các nước ASEAN hoan nghênh các sáng kiến trong khuôn khổ Chính sách Hướng Nam Mới của Hàn Quốc nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN trên ba trụ cột hoà bình-thịnh vượng-con người. Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục nỗ lực thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, kết nối các doanh nghiệp và khu vực tư nhân hai bên. Hai bên ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc có hiệu lực vào năm 2007, phấn đấu đạt mục tiêu 200 tỉ USD vào năm 2020. Tại Hội nghị, Cam-pu-chia, nước điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc đã chính thức chuyển giao vai trò điều phối giai đoạn 2018-2021 cho Bru-nây.
- Với Canada: Các nước ASEAN hoan nghênh Canada tham gia đóng góp tích cực tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên trên cơ sở Chương trình Hành động ASEAN-Canada giai đoạn 2016-2020, nhất là về chống khủng bố và bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, thương mại-đầu tư, kết nối, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, môi trường, biến đổi khí hậu, giáo dục và du lịch. Tại Hội nghị, Phil-líp-pin, nước điều phối quan hệ ASEAN-Canada đã chính thức chuyển giao vai trò điều phối giai đoạn 2018-2021 cho Mi-an-ma.
- Với EU: Hai bên ghi nhận những kết quả tích cực trong Kế hoạch Hành động ASEAN-EU gia đoạn 2018-2022 (được thông qua vào 8/2017), nhấn mạnh cam kết của các bên nhằm thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; khuyến khích hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như thương mại, trong đó có khả năng nối lại đàm phán về Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU, vận tải hàng không. Các Bộ trưởng đánh giá cao EU hỗ trợ ASEAN thúc đẩy liên kết khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển. Kết thúc Hội nghị, Thái Lan đã chuyển giao vai trò điều phối quan hệ ASEAN-EU giai đoạn 2018-2021 cho Singapore.
- Với Úc: Các Bộ trưởng ghi nhận tiến triển tích cực trong thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-Úc giai đoạn 2015-2019; nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh mạng, quản lý biên giới và chống buôn bán người, an ninh hàng hải, hợp tác quốc phòng, kinh tế, biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai. Các Bộ trưởng cam kết duy trì một hệ thống thương mại khụ vực và quốc tế tự do và mở rộng, trao đổi các biện pháp tăng cường thương mại-đầu tư thông qua Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA), mong muốn sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Kết thúc Hội nghị, Mi-an-ma đã chính thức chuyển giao vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nga cho Ma-lay-xia.
- Với Mỹ: Các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh quan hệ kinh tế cân bằng, cùng có lợi giữa ASEAN và Mỹ đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho cả hai bên. Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ đánh giá cao vai trò của ASEAN đối với hòa bình, ổn định khu vực; đặt ASEAN ở vị trí trung tâm giữa hai khu vực ́n Độ Dương và Thái Bình Dương trong chiến lược của Mỹ. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy đầu tư, kết nối, hợp tác biển, và ứng phó với các thách thức xuyên quốc gia, bao gồm khủng bố và cực đoan bạo lực. ASEAN hoan nghênh các sáng kiến về an ninh, phát triển bền vững, quản trị tốt, giáo dục, thanh niên, khởi nghiệp v.v. Kết thúc Hội nghị, Lào đã chính thức nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Mỹ giai đoạn 2018-2021 từ Ma-lai-xia.
Phát biểu tại các Hội nghị trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Hàn Quốc, Canada, Úc, Mỹ, EU là các đối tác quan trọng của ASEAN; hoan nghênh các đối tác này tích cực phối hợp cùng ASEAN đẩy mạnh đối thoại và hợp tác vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực; khẳng định ủng hộ các lĩnh vực ưu tiên hợp tác được đề xuất, mong muốn cùng các nước tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều sáng kiến cụ thể./.