Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về chuyến đi của Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Cuba và New York

(MOFA) - Nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến đi tới Cuba và New York, Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến đi.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

1. Câu hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả nổi bật của chuyến công tác của Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Cuba và New York, Hoa Kỳ?

Triển khai chương trình đối ngoại cấp cao năm 2021 đã được Bộ Chính trị thông qua và nhận lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz-Canel, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Cuba từ ngày 18-21/9/2021, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thực hiện các hoạt động song phương tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 21-24/9/2021.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Cuba bước sang giai đoạn phát triển mới sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng. Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhu cầu hợp tác quốc tế về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội ngày càng cấp thiết, đặt ra nhiều thách thức lớn, cũng như yêu cầu mới đối với Liên hợp quốc và các tổ chức, diễn đàn đa phương.

Trong bối cảnh đó, chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước dẫn đầu có nhiều ý nghĩa sâu sắc, đạt được tất cả mục tiêu đề ra và mang lại kết quả tổng hợp, toàn diện, góp phần tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là:

Thứ nhất, đã góp phần tích cực thúc đẩy triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, truyền đi thông điệp mạnh mẽ ra thế giới về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn bè tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, khẳng định tình đoàn kết thủy chung, ủng hộ lẫn nhau, hợp tác toàn diện cả qua đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Cuba. Chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tạo nên động lực và luồng sinh khí mới thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và đặc biệt giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước trong bối cảnh mới.

Minh chứng là hai nước đã ra Tuyên bố chung cấp cao với nội dung toàn diện, ký Kế hoạch hành động triển khai Chương trình nghị sự kinh tế 2021-2025 và nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác về nông nghiệp, y tế, tư pháp, thông tin truyền thông, năng lượng, du lịch… Nổi bật nhất là dù nguồn vắc-xin trong nước chưa đủ cho toàn dân, nhưng Cuba đã cam kết cung cấp 10 triệu liều vắc xin Abdala và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam, trước mắt giao ngay 01 triệu liều vắc xin trong chuyến thăm. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dù còn không ít khó khăn đã tặng nhân dân Cuba anh em 23.000 tấn gạo từ khi dịch Covid-19 bùng phát, riêng trong chuyến thăm này tặng 6.000 tấn gạo cùng một số thiết bị, vật tư y tế, giống ngô lai, máy tính …

Thứ ba, với sự chủ động, tích cực tham dự và phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại các Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng và Hội đồng bảo an cùng nhiều phiên họp quan trọng khác của Liên hợp quốc, chúng ta tiếp tục khẳng định mạnh mẽ, rõ ràng với bạn bè quốc tế về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển và vươn lên, có trách nhiệm và đóng góp một cách tích cực và xây dựng vào các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển bền vững trong và sau đại dịch. Các thông điệp, đề xuất của Chủ tịch nước tại các phiên họp của Liên hợp quốc được nhiều lãnh đạo các nước, các đối tác chia sẻ, đánh giá cao và hưởng ứng tích cực.

Thứ tư, tranh thủ tối đa dự họp Liên hợp quốc để gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, nhất là các đối tác chiến lược, quan trọng và bạn bè truyền thống, từ đó góp phần tích cực củng cố cục diện đối ngoại vững chắc, ổn định và thuận lợi cho giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển đất nước.

Trong hơn 3 ngày ở New York, Chủ tịch nước đã gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn như LHQ, WB, IMF cùng với khoảng 20 cuộc gặp, trao đổi với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới. Các đồng chí lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành trung ương trong thành phần đoàn cũng rất chủ động, tích cực gặp gỡ lãnh đạo các đối tác liên quan, trong đó có khoảng 20 Bộ trưởng Ngoại giao các nước.

Thứ năm, đã tranh thủ được sự ủng hộ thiết thực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.

Vận động hỗ trợ vắc-xin và phòng chống dịch bệnh là chủ đề xuyên suốt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của đoàn ta ở các cấp, các kênh. Bên cạnh 1 triệu liều vắc-xin Abdala của Cuba chuyển về nước theo chuyên cơ của Chủ tịch nước, nhiều đối tác đã cam kết viện trợ và bán vắc-xin cho Việt Nam như Hàn Quốc cam kết hỗ trợ và sẽ giao hơn 1 triệu liều vắc-xin vào giữa tháng 10/2021, Hungary cam kết giao ngay 400.000 liều… Ngoài vắc-xin, đoàn ta đã thúc đẩy nhiều đối tác hỗ trợ vật phẩm y tế như tập đoàn Northwestern Medicine hỗ trợ thiết bị y tế trị giá 3,8 triệu USD, công ty Thermo Fisher cung cấp 270.000 bộ test kit trị giá 2 triệu USD, ông David Duong là Việt kiều tại Hoa Kỳ đã hỗ trợ 1.000 máy trợ thở, v.v…

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều tập đoàn hàng đầu đã thúc đẩy các tập đoàn này ký nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD với các doanh nghiệp Việt Nam ngay trong chuyến thăm, đồng thời góp phần quan trọng củng cố niềm tin, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp quốc tế duy trì, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, thiết thực đóng góp vào thực hiện các định hướng đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

2. Câu hỏi: Chuyến thăm chính thức Cuba là chuyến thăm đầu tiên sau khi cả Việt Nam và Cuba tổ chức thành công Đại hội Đảng ở mỗi nước và bầu ra ban lãnh đạo mới. Xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam và Cuba sẽ tập trung vào những định hướng và trọng tâm hợp tác nào để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt trong bối cảnh mới?

Cùng kiên định lý tưởng, con đường phát triển theo định hướng XHCN, sự tin cậy chính trị cao và tình đồng chí, bạn bè đã tôi luyện qua nhiều thử thách là những nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ Việt Nam- Cuba trong bối cảnh mới. Như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung cấp cao, quan hệ hai nước tới đây sẽ tập trung một số định hướng lớn sau đây:

Một là, tiếp tục phát triển toàn diện quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Cuba qua các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trên tất cả các lĩnh vực chính trị- ngoại giao, quốc phòng, an ninh và kinh tế- xã hội.

Hai là, phát huy tối đa các cơ chế hiện có để tăng cường trao đổi lý luận, kinh nghiệm thực tiễn xây dựng CNXH và phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi nước. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Cuba các bài học, kinh nghiệm của mình trong tiến hành Đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Ba là, đẩy mạnh mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước, trong đó trọng tâm là hợp tác nông nghiệp, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, du lịch, y tế, dược phẩm, vắc xin... Việt Nam trong khả năng của mình tiếp tục thúc đẩy hợp tác, góp phần hỗ trợ Cuba bảo đảm an ninh lương thực.

Bốn là, tiếp tục đoàn kết, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, góp phần nâng cao vị thế của mỗi nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

3. Câu hỏi: Phát huy kết quả chuyến công tác và 2 năm là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp như thế nào cho Liên hợp quốc và các công việc chung của thế giới?

Những kết quả gần 2 năm đảm nhận ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và chuyến công tác này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Những kết quả này để lại nhiều bài học, kinh nghiệm, qua đó đối ngoại và ngoại giao Việt Nam ngày càng trưởng thành, từng bước hướng tới nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.

Thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII và phát huy những kết quả nói trên, chúng ta tới đây sẽ tập trung một số ưu tiên sau đây:

Thứ nhất, tăng cường tham gia sâu rộng, chủ động, tích cực, có trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả vào các hoạt động của Liên hợp quốc, khẳng định và phát huy vai trò với bản sắc riêng của Việt Nam thông qua các sáng kiến thiết thực, cùng quốc tế thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Đó là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc, dân tộc. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức mình bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Thứ hai, tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc và triển khai các ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc, nhất là hợp tác đẩy lùi đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển bền vững, bao trùm sau đại dịch, thực hiện thực chất và bền vững các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), triển khai nghiêm túc các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, cải tổ Liên hợp quốc.

Thứ ba, tiếp tục tranh thủ hiệu quả sự hỗ trợ của các tổ chức Liên hợp quốc về nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm phát triển, nâng cao năng lực, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trong những năm năm tới. Đồng thời, phát huy chủ động, tích cực và sáng tạo nhằm tạo động lực mới cho phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam- Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022), một dấu mốc có ý nghĩa đối với hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương của đất nước.

Tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc thực chất và hiệu quả còn góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác và các tổ chức, diễn đàn đa phương khác, từ đó đóng góp vào giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực quốc tế cho phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao vị thế đất nước./.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer