Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan. (Ảnh: Tuấn Anh)
Với thông điệp “Đối tác chiến lược tăng cường vì phục hồi và tăng trưởng tự cường và bền vững”, hai bên đã cùng rà soát, đánh giá kết quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua cũng như phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên cơ sở tôn trọng, tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên đã linh hoạt triển khai hiệu quả các cuộc trao đổi, tiếp xúc trực tuyến cũng như trực tiếp ở cấp cao và các cấp. Thái Lan tiếp tục giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam. Thương mại hai nước 10 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng - an ninh, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch, tài chính, ngân hàng… tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên đã và đang tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong 2021.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan khẳng định Thái Lan luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường với Việt Nam. Hai Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy trao đổi đoàn và các cơ chế song phương, đặc biệt là cuộc họp Nội các chung giữa hai Thủ tướng vào thời gian phù hợp với cả hai bên. Hai bên đánh giá giao lưu nhân dân là trụ cột quan trọng, nhất trí cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua giảng dạy tiếng Thái tại Việt Nam và tiếng Việt tại Thái Lan, mở rộng sang giao lưu giữa các nghị sỹ hai nước.
Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh)
Hai bên bày tỏ đánh giá cao sự ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau giữa Thái Lan và Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 và nhất trí tăng cường hợp tác y tế cộng đồng trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm nghiên cứu và phát triển vắc xin và thuốc điều trị COVID-19, sớm công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vaccine và tạo thuận lợi cho đi lại của công dân hai nước. Để hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch, hai bên đã nhất trí tăng cường kết nối kinh tế và bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; hạn chế việc áp dụng các rào cản thương mại đối với hàng hóa của nhau; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan tiếp tục phát huy vai trò cầu nối đưa hàng hóa của Việt Nam đến với người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối tại Thái Lan, ưu tiên các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, rau quả, thủy sản; khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực Thái Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như du lịch, công nghiệp dệt may, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, nông sản, máy móc, linh kiện, hóa chất, nguyên vật liệu.
Hai bên cũng nhất trí tìm kiếm khả năng hợp tác trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo, gắn kết giữa mô hình kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh (BCG) của Thái Lan và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 để giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt được sự phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện với môi trường.
Hai bên nhất trí tăng cường ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt tại Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, Tiểu vùng Mê Công; tận dụng các cơ hội và lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có RCEP.
Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; ủng hộ việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán nhằm đạt được một COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Kết thúc kỳ họp, hai Bộ trưởng đã nhất trí thông qua Biên bản Kỳ họp và cam kết sẽ phối hợp thúc đẩy triển khai các lĩnh vực đã nêu tại Biên bản. Nhân dịp này, hai Bộ trưởng cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Thái Lan; chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ trao đổi văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Thái Lan giai đoạn 2021-2026 và Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Ubon Ratchathani./.
Back Top page Print Email |