Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Hiệp định Paris năm 1973: Mốc son chói lọi của Ngoại giao cách mạng Việt Nam

(MOFA) - Hiệp định Paris được ký kết đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam, thể hiện sáng ngời bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thấm đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và bản sắc ngoại giao của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt trận ngoại giao luôn đóng vai trò quan trọng, phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, góp phần tạo nên những thắng lợi làm rạng rỡ lịch sử dân tộc, từ đàm phán bảo vệ nền độc lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và đỉnh cao là ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.

Ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Hiệp định Paris

Quang cảnh ngày khai mạc Hội nghị Paris tại Pháp. (Ảnh tư liệu)

Quang cảnh ngày khai mạc Hội nghị Paris tại Pháp. (Ảnh tư liệu)

Với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra chủ trương ngoại giao là một mặt trận quan trọng, phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị để đấu tranh với Mỹ, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Năm 1968, đàm phán tại Hội nghị Paris chính thức được mở ra. Cục diện “vừa đánh, vừa đàm” kéo dài gần 5 năm với 201 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng. Đây thật sự là những cuộc đấu trí cam go, quyết liệt nhằm từng bước chuyển hóa thắng lợi của quân dân ta trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán.

Hiệp định Paris được ký kết đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam, thể hiện sáng ngời bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thấm đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở nước ta.

Thắng lợi tại Hội nghị Paris bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, truyền thống yêu nước nồng nàn, khối đại đoàn kết, bản sắc văn hóa và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước; là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường và hy sinh to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, từ Đồng khởi Bến Tre năm 1960, đến Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, Tiến công chiến lược Xuân-Hè năm 1972 và chiến thắng vang dội 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Trong thắng lợi chung của dân tộc, có đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam. Hội nghị Paris đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đã tôi luyện nên những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Cơ Thạch và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác. Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối; đời đời biết ơn sự hy sinh vô cùng to lớn của biết bao cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước, sự ủng hộ và hướng về Tổ quốc của kiều bào ta ở nước ngoài; ghi nhớ sự cống hiến to lớn của đội ngũ cán bộ tham gia đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris.

Việc ký kết Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao cho các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chiến thắng của chính nghĩa, đạo lý và công lý.

Phong trào chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã trở thành biểu tượng của thời đại và tiêu biểu cho lương tri loài người. Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn chân thành các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới về tình đoàn kết trong sáng, sự ủng hộ, giúp đỡ dành cho nhân dân ta trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Những bài học ngoại giao mãi mãi còn nguyên giá trị

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam tại  Paris, ngày 27/01/1973. (Ảnh tư liệu)

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris, ngày 27/01/1973. (Ảnh tư liệu)

Đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia-dân tộc. Độc lập, tự chủ trong mọi quyết sách và từng bước đi giúp chúng ta giữ vững thế chủ động và luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris.

Thứ hai, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Sức mạnh dân tộc là sức mạnh của ngọn cờ chính nghĩa; của đường lối, sách lược đúng đắn của Đảng; của khối đại đoàn kết, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc; là sức mạnh từ sự kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao… Sức mạnh thời đại thể hiện ở khát vọng chung của các quốc gia, dân tộc về hòa bình, phát triển, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, công lý và phẩm giá con người…

Thứ ba, kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Mục tiêu, nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Sách lược là “vừa đánh, vừa đàm”, khôn khéo và linh hoạt tùy từng vấn đề, từng thời điểm, từng đối tác trên cơ sở kiên trì mục tiêu chiến lược.

Thứ tư, bài học về phong cách, nghệ thuật ngoại giao mang đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh như bài học về nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, biết mình, biết người, biết thời, biết thế; biết giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng; biết tạo dựng và nắm bắt thời cơ; sự kết hợp tài tình giữa chiến lược và sách lược, giữa chính trị-quân sự và ngoại giao, giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, giữa độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, giữa các lực lượng ngoại giao của miền bắc và miền nam, tuy hai mà một, tuy một mà hai...

Thứ năm, bài học về chủ động, tích cực xây dựng lực lượng ngoại giao, trong đó cán bộ là khâu then chốt. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo việc xây dựng lực lượng cán bộ cho đấu tranh ngoại giao. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, đóng góp quan trọng vào thắng lợi tại Hội nghị Paris.

Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành toàn thắng.

Bên cạnh những bài học nổi bật nói trên, còn nhiều bài học phong phú từ Hội nghị Paris cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để truyền lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau.


Các hiện vật gồm: hộ chiếu công vụ, bút ký Hiệp định Paris năm 1973, phù hiệu thành viên đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, con dấu... tại triển lãm “Hội nghị Paris - Đường đến hòa bình”, ngày 12/07/2018 tại Bảo tàng Hà Nội.

Các hiện vật gồm: hộ chiếu công vụ, bút ký Hiệp định Paris năm 1973, phù hiệu thành viên đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, con dấu... tại triển lãm “Hội nghị Paris - Đường đến hòa bình”, ngày 12/07/2018 tại Bảo tàng Hà Nội.

Trong công cuộc đổi mới, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, truyền thống ngoại giao của dân tộc cùng những bài học lịch sử của Hội nghị Paris, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn này đã góp phần quan trọng đưa nước ta từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, có chính trị-xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, có nền kinh tế phát triển năng động, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao.

Thành tựu đó càng minh chứng cho ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris và giá trị của chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam và tinh thần Hội nghị Paris, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hùng cường, thịnh vượng.

Bùi Thanh Sơn

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

(Baoquocte.vn)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer