Những ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII: Sôi nổi, khẩn trương, có trọng tâm
Tâm điểm những ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội là báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày, có tiêu đề “Chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội”.
Báo cáo đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng quát, theo đó ngăn chặn suy giảm kinh tế trở thành mục tiêu cũng là nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh 4 chỉ tiêu kinh tế và phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu.
Cụ thể, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ 6,5% còn 5,0%, bội chi ngân sách tối đa 8,0% (chỉ tiêu trước là 5%), tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống 3%, điều chỉnh chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống dưới 10% (tức là khống chế ở mức một con số).
Qua báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như các ý kiến thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội với trọng trách đại diện cho đông đảo cử tri đều cơ bản đồng tình với các đề xuất, giải pháp ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ.
Các đại biểu Phạm Thị Loan, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Ðặng Huyền Thái (Hà Nội), Ðặng Ngọc Tùng (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã linh hoạt, năng động trong việc điều hành kinh tế-xã hội, chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục điều hành kinh tế một cách linh hoạt, bởi theo phân tích, dự đoán của các chuyên gia, thì lạm phát có thể đã được kiểm soát, nhưng phải đặc biệt cảnh giác tình trạng tái lạm phát có thể đang rình rập.
Về thực hiện gói kích cầu của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn chưa thể tiếp cận nguồn vốn kích cầu. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những điều khoản, quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, đơn vị, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước. Đại biểu Phạm Thị Loan kiến nghị “Chính phủ cần có chính sách để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh được tiếp cận được với nguồn vốn này”.
Với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, trong 4 ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến về 7 dự án luật, gồm: Luật Bồi thường nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật Lý lịch tư pháp, Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai.
Tâm điểm trong hoạt động của Quốc hội tuần tới sẽ là 1 ngày rưỡi thảo luận tại hội trường (ngày 26/5 và sáng 27/5) được truyền hình trực tiếp về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm (bao gồm cả các vấn đề về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, bội chi ngân sách, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, việc miễn, giảm, giãn thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân…).
Đáng chú ý, vào ngày 30/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014. Đề án có liên quan đến việc điều chỉnh học phí hiện đang được cử tri, dư luận xã hội quan tâm./.
website Chính phủ
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |