Người dân Việt Nam thực sự có quyền tự do tín ngưỡng
Trước việc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đồng ý bổ sung Dự luật với điều khoản đề nghị Bộ Ngoại giao nước này đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ đã có cuộc phỏng vấn ông Eni Faleomavaega, Hạ nghị sỹ Mỹ, người phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương và là người đã nhiều lần tới Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc Uỷ Ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đang đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo?
Ông Eni Faleomavaega: Theo tôi biết, điều khoản bổ sung này không nhận được sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trên thực tế, năm 2004, Việt Nam đã bị đưa vào danh sách này, nhưng tôi thấy Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình và chính quyền của cựu Tổng thống Bush đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.
Cá nhân tôi đã bỏ phiếu không tán thành Dự luật và không có cùng quan điểm với nhiều hạ nghị sỹ về vấn đề này. Nhiều khi tôi thấy các đồng nghiệp của tôi và các nghị sỹ khác cảm thấy sung sướng với mánh khoé châm chọc Việt Nam, lấy lý do là vi phạm nhân quyền, trong khi đó họ không làm gì với những hành động tương tự xảy ra ở các nước khác. Tôi cho rằng đó là đạo đức giả.
Ngay đối với Mỹ phải mất 150 năm mới đồng ý cho phép người da đen được quyền bỏ phiếu. Điều đó rõ ràng là vi phạm nhân quyền, vậy mà Mỹ phải mất chừng đó thời gian để nhận ra điều này. Tôi đã từng tự hỏi, mình là ai mà có quyền phán xét Việt Nam? Không đất nước nào là hoàn hảo thậm chí nước Mỹ của chúng tôi cũng có các vấn đề về nhân quyền.
PV: Ông có thể dẫn chứng cụ thể những tồn tại về vấn đề nhân quyền ở Mỹ được không?
Ông Eni Faleomavaega: Tôi nhớ rằng khi một thành phố của Mỹ bị đánh bom, tất cả lực lượng cảnh sát của bang và liên bang đều tìm kiếm tên của người Arab. Họ nghiễm nhiên cho rằng, nhất định một người Arab làm việc này. Tuy nhiên, cuối cùng thủ phạm chính là một binh sỹ Mỹ, anh ta trả thù vì coi rằng mình đã bị đối xử không tốt trong thời gian phục vụ quân đội.
Tôi nghĩ rằng, Mỹ phải nhìn Việt Nam thiện chí hơn, phải hiểu rằng Việt Nam đang cố gắng giải quyết các vấn đề về nhân quyền.
Hãy thử tưởng tượng xem tình hình căng thẳng như thế nào khi Tổng thống của chúng tôi gọi CHDCND Triều Tiên là “Trục liên minh ma quỷ”. Đặt trường hợp họ cũng gọi chúng tôi là liên minh ma quỷ thì sao?
Nếu điều đó xảy ra, bản thân tôi là người Mỹ cảm thấy bị lăng nhục. Theo tôi, có sự hiểu khác nhau rõ rệt giữa quan niệm của phương Tây và quan niệm văn hoá phương Đông về vấn đề nhân quyền.
PV: Ông có nhận xét gì về hoạt động tự do tín ngưỡng ở Việt Nam?
Ông Eni Faleomavaega: Một số bạn bè của tôi nói rằng, có một số người hoạt động tôn giáo tố cáo là quyền tự do tín ngưỡng của họ bị xâm phạm. Tuy nhiên, thực tế khi đến Việt Nam, điều mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất là ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội và TP HCM đều có các nhà thờ rất lớn và tôi thấy rằng, hơn 7,5 triệu người Việt Nam là người công giáo.
Đó là những minh chứng cụ thể việc Chính phủ Việt Nam cho phép người dân có quyền tự do tín ngưỡng và họ có thể quyết định theo tôn giáo nào./.
Theo VOV
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |