Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao
  Trang chủ » Tin tức »  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về tình hình Biển Đông

(Ma-ni-la, Phi-líp-pin - 21/5/2014)

PV: Trong tình trạng đối đầu nguy hiểm hiện nay ở Hoàng Sa, phương án giải quyết của Việt Nam là gì? Liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) như Phi-líp-pin không? Nếu có, Việt Nam sẽ nộp đơn ở đâu và khi nào? Liệu Việt Nam có sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết căng thẳng tại Biển Đông? Việt Nam đã chuẩn bị thế nào cho biện pháp này?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bạn hỏi về biện pháp quân sự. Không.

Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ.

Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.

PV: Việt Nam hy vọng gì từ cộng đồng quốc tế, từ các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản đến các tổ chức đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc trong việc giúp đỡ giải quyết tình trạng đối đầu ở Hoàng Sa? Trong bối cảnh căng thẳng leo thang như hiện nay ở Biển Đông, Việt Nam có sẵn sàng xem xét trở thành một liên minh an ninh chính thức với Mỹ trong tương lai không?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi khẳng định rằng, Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác. Đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam. Chúng tôi đã công khai về điều này rất nhiều lần với thế giới.

Về việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, chúng tôi đã thông báo và thông tin trung thực đến các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước; chính giới và các học giả; truyền thông quốc tế. Những ngày qua, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa của sự việc này đối với hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Tôi tin tưởng rằng cộng đồng quốc tế tiếp tục có đánh giá đúng và tiếng nói thích hợp để ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

PV: Dư luận cho rằng quan hệ Việt - Trung là mối quan hệ đan xen, vừa hữu nghị vừa đối đầu trong nhiều năm và Việt Nam chắc chắn không muốn mạo hiểm cắt đứt quan hệ này. Liệu việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu ở Hoàng Sa có phải là một tác nhân buộc Việt Nam phải từ bỏ quan hệ với cường quốc ở châu Á này không? Nếu quan hệ Việt - Trung bị căng thẳng hoặc bị cắt đứt, điều này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế và sự ổn định chính trị ở Việt Nam?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Câu hỏi của bạn rất khó trả lời ngắn gọn.

Tôi chỉ muốn nói rằng, Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc vì điều này không chỉ đem lại lợi ích cơ bản và lâu dài cho hai nước Việt -Trung mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Còn ngược lại, chắc các bạn hoàn toàn có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình đóng góp vào việc gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm này và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế./.

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer