Bộ trưởng Lao động, Thương Binh và Xã hội Việt Nam, Phạm Thị Hải Chuyền dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Dưới chủ đề: “Tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động hướng tới môi trường làm việc hài hòa, tiến bộ và phát triển”, các Bộ trưởng đã trao đổi việc thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng động Văn hóa – Xã hội (ASCC); kiểm điểm công tác triển khai Chương trình công tác của các Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALM-WP) giai đoạn 2010-2015; và thúc đẩy hợp tác nhằm nâng cao tính cạnh tranh của lực lượng lao động các nước thành viên trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015..
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng vui mừng trước tiến độ thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC, cũng như việc triển khai các hoạt động thuộc Chương trình Công tác thời gian qua, nhất là trong các lĩnh vực như: thông tin thị trường lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, quan hệ lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống và kiểm soát HIV tại nơi làm việc.... Các Bộ trưởng nhất trí cần tiếp tục nỗ lực triển khai Chương trình công tác theo hướng xác định các nội dung trọng tâm để tập trung nguồn lực ưu tiên thực hiện. Theo đó, các Bộ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình công tác giai đoạn 2010-2015, tổ chức tại Đà Lạt, Việt Nam ngày 29-30/4/2014. Kết quả và những khuyến nghị do Hội nghị nêu ra, nhất là những đề xuất về những lĩnh vực ưu tiên cần thúc đẩy, là cơ sở để gia tăng hợp tác trong lĩnh vực lao động thời gian tới.
Các Bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 23
Nhằm xây dựng lực lượng lao động mang tính cạnh tranh hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các Bộ trưởng nhất trí cần tăng cường hợp tác thúc đẩy các nội dung liên quan tới thông tin thị trường lao động, phát triển nghề, công nhận nghề và chứng chỉ quốc gia, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa….; Đồng thời kêu gọi các nước thành viên cần có các chiến lược và nỗ lực nhằm xây dựng lực lượng lao động năng động, sáng tạo và hiệu quả đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và các ngành tạo ra việc làm tốt và môi trường làm việc hài hòa.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền của người lao động di cư trong khu vực, đánh giá cao nỗ lực của Nhóm soạn thảo văn kiện ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư thời gian qua; đồng thời yêu cầu Nhóm soạn thảo văn kiện cần hoàn tất Văn bản trong năm 2014 để các Bộ trưởng xem xét trình Lãnh đạo Cấp cao thông qua và ký kết.
Triển khai quyết định cấp cao về xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, các Bộ trưởng yêu cầu các quan chức lao động cao cấp ASEAN (SLOM) thảo luận và xác định định hướng cho việc tăng cường hợp tác lao động giai đoạn sau 2015, tập trung vào các mục tiêu chiến lược hướng tới chất lượng cuộc sống tốt hơn, việc làm bền vững cho tất cả mọi người, việc làm năng suất, lực lượng lao động cạnh tranh, an sinh xã hội dễ tiếp cận và đầy đủ cho tất cả mọi người, và môi trường làm việc tiến bộ và hài hòa.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã ra Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 23 nhằm phản ánh kết quả của Hội nghị. Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24 sẽ được tổ chức tại Lào vào năm 2016.
Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp cho các cuộc thảo luận tại Hội nghị, nhất là các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác lao động giữa các nước thành viên ASEAN, cũng như tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động khu vực trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực gia tăng. Đóng góp của ta được các nước đánh giá cao và ghi nhận trong Thông cáo chung của Hội nghị lần này.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã gặp song phương với Trưởng Đoàn Lào để trao đổi về tăng cường hợp tác lao động giữa hai nước.