Trả lời của Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Phạm Hải Anh về chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng
"Chuyến thăm của ông Heiner Beilefeldt là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc. Việc đón Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng thể hiện thiện chí, thái độ hợp tác, cởi mở của Chính phủ Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, tính cả lần này, Việt Nam đã đón 6 Thủ tục đặc biệt của Liên hợp quốc. Điều này cho thấy sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế khi ứng cử Hội đồng Nhân quyền và các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR).
Liên quan đến chuyến thăm lần này, Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương của Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo và thể hiện thái độ cởi mở, hợp tác, đáp ứng tất cả các yêu cầu của Báo cáo viên trong quá trình xây dựng chương trình của chuyến thăm, sẵn sàng điều chỉnh hoặc thu xếp thêm các hoạt động khác khi Báo cáo viên đề nghị.
Về một số vấn đề ông Beilefeldt nêu tại cuộc họp báo ngày 31/7, tôi cho rằng đã có sự hiểu lầm, chưa trao đổi hết thông tin. Theo nghị quyết 5/2 của Hội đồng Nhân quyền, nước chủ nhà có trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Báo cáo viên đặc biệt trong suốt chuyến thăm. Luật pháp Việt Nam bảo đảm mọi người dân có quyền tự do tiếp xúc, gặp gỡ với bất cứ ai họ muốn. Thời gian qua, Năm Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền đã thăm Việt Nam, tiếp xúc với rất nhiều cá nhân, tổ chức và thành công tốt đẹp.
Chuyến thăm này và các công việc tiếp theo của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng cần đóng góp vào quá trình hợp tác, đối thoại giữa Việt Nam và Liên hợp quốc."
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |