Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Xu thế và đặc điểm các thoả thuận thương mại tự do (FTAs) khu vực và song phương và tiến trình tham gia FTA của Việt Nam

Gần đây đánh dấu sự nổi lên của các FTA song phương với phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm hầu hết các lĩnh vực chính như hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, mua sắm chính phủ v.v.., với mức độ tự do hoá cao (cao hơn WTO) và hình thành trên cơ sở liên kết giữa các đối tác thuộc các khu vực địa lý khác nhau, đặc biệt là giữa các nước phát triển và đang phát triển, ví dụ, FTA Hoa Kỳ-Chi-lê, FTA EU- Thái Lan, EPA Việt Nam - Nhật Bản v.v..

1. Xu thế hình thành FTA khu vực và song phương:

Từ những năm đầu của thập niên 1990, song song với quá trình toàn cầu hoá, chủ nghĩa khu vực (regionalism) đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và về chất. Trước đó, chủ nghĩa khu vực thường mang hình thái khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area) nhưng kể từ thập niên 1990, hình thái FTA (Free Trade Agreement) song phương hoặc nhiều bên trở nên phổ biến hơn, với phạm vi hợp tác rộng hơn, không chỉ giới hạn trong việc thực hiện tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ mà còn cả xúc tiến và tự do hoá đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, thuận lợi hóa thủ tục hải quan, xây dựng năng lực và nhiều nội dung mới khác như lao động, môi trường.

Hiện nay trong bối cảnh đàm phán thương mại đa phương bế tắc (Vòng đàm phán Doha của WTO), sự gia tăng mạnh các FTA song phương và khu vực đang trở thành một xu thế quan trọng trong quan hệ kinh tế quốc tế từ đầu thế kỷ 21. Tính đến tháng 09/2009, đã có 233 thoả thuận thương mại khu vực, trong đó trên 70 % là các FTA và đã được thông báo với WTO.

2. Đặc điểm của các FTA gần đây:      

Đặc điểm quan trọng của các FTA hình thành thời gian gần đây là sự nổi lên của các FTA song phương với phạm vi điều chỉnh rộng (bao gồm hầu hết các lĩnh vực chính như hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, mua sắm chính phủ v.v..), mức độ tự do hoá cao (cao hơn WTO) và hình thành trên cơ sở liên kết giữa các đối tác thuộc các khu vực địa lý khác nhau, đặc biệt là giữa các nước phát triển và đang phát triển, ví dụ, FTA Hoa Kỳ-Chi-lê, FTA EU- Thái Lan, EPA Việt Nam - Nhật Bản v.v..

Động lực chính để các nước đang phát triển đàm phán nhằm ký kết FTA với các nước phát triển là khả năng được hưởng các ưu đãi, miễn trừ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường các nước phát triển. Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa cơ cấu hàng xuất khẩu (thường mang tính bổ sung cho nhau) cũng là một lý do quan trọng đưa đến đàm phán FTA giữa hai nhóm nước này.

Xu thế FTA có quan hệ và tác động qua lại tương đối chặt chẽ đến hệ thống kinh tế-thương mại quốc tế. Một mặt, nhiều ý kiến cho rằng xu thế FTA là sự bổ trợ đối với tiến trình đàm phán thương mại đa phương, do tạo nên nền tảng và mở đường cho các thành viên WTO thảo luận và thống nhất ở cấp độ toàn cầu. Mặt khác, nếu các nước tập trung nhiều vào FTA sẽ giảm sự quan tâm đối với tiến trình đa phương, khiến thúc đẩy tự do hoá thương mại ở cấp độ toàn cầu gặp khó khăn.

Đối với các nước ĐPT, việc tham gia các FTA tạo điều kiện mở rộng xuất khẩu, đồng thời tạo sức ép để các nước này tăng cường hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh, cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp lý cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, FTA còn giúp các nước ĐPT củng cố quan hệ an ninh chính trị với các đối tác, đặc biệt là các nước lớn. Mặt khác, việc tham gia nhiều FTA sẽ tạo nên quá nhiều cam kết và quy định đan xen, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách thương mại quốc gia và tuân thủ, thực thi các cam kết, quy định của FTA. Tuy nhiên, nếu đứng ngoài hoặc chậm chân với xu thế này, các nước sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử và nguy cơ đối mặt với hiệu ứng “ chệch hướng thương mại” khiến các ngành xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh không phát huy được hiệu quả.

3. Tiến trình tham gia các FTA của Việt Nam:

Việt Nam đã cùng ASEAN ký kết và triển khai thực hiện 3 hiệp định FTAs là Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Úc/Niu Di-lân (AANZFTA) và đã ký Hiệp định hàng hóa của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA). Đàm phán Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – EU hiện đang bế tắc.

Các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang tham gia đàm phán:

- Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA):
Sau 4 năm đàm phán, Hiệp định BTA đã hai nước ký kết vào ngày 13/7/2000 (hiệu lực năm từ ngày 11/12/2001). Được đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định này không chỉ đề cập tới thương mại hàng hóa, mà còn chứa đựng cả những điều khoản về thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư. Sau hơn 8 năm thực hiện, Hiệp định đã góp phần tích cực mở rộng trao đổi thương mại song phương. Đối với Việt Nam, quá trình thực thi BTA là quá trình tập dượt quan trọng giúp nước ta có thêm kinh nghiệm và tự tin trong việc tham gia đầy đủ hơn vào hệ thống thương mại đa phương.

- Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA):
Hiệp định TIFA được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 6/2007) nhằm mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại song phương.

Hai bên đã thành lập Hội đồng TIFA do lãnh đạo cấp Bộ trưởng của mỗi bên làm đồng chủ tịch. Hội đồng TIFA có nhiệm vụ:

(i) theo dõi, giám sát và tìm ra các cơ hội mới nhằm phát triển quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước;
(ii) xem xét các vấn đề thương mại và đầu tư mà hai bên cùng quan tâm;
(iii) tìm biện pháp giải quyết các vướng mắc trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương, bao gồm cả việc giải quyết những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp hai nước.

Kèm theo Hiệp định là Phụ lục nêu rõ các vấn đề hai bên sẽ xem xét, bao gồm các vấn đề như: thực thi BTA, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ, các biện pháp ảnh hưởng tới chính sách thương mại và đầu tư.

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (JVEPA):

Trải qua 9 phiên đàm phán chính thức, Hiệp định JVEPA đã được hai bên ký kết tại Tokyo ngày 25/12/2008. Hiệp định JVEPA là một hiệp định toàn diện với 14 chương, 129 điều và 7 phụ lục quy định về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ và các lĩnh vực hợp tác kinh tế. Việc ký kết Hiệp định sẽ giúp tăng cường mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương, đồng thời tạo khung khổ pháp lý cho các nhà đầu tư hai nước. Đến nay, Hiệp định đã được cơ quan có thẩm quyền của hai nước phê duyệt.

- Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam – Chilê:

Đàm phán FTA Việt Nam – Chilê được Lãnh đạo Cấp cao hai nước tuyên bố khởi động tại HNCC APEC tháng 9/2007, đã trải qua 3 phiên, hai bên đã nhất trí về các vấn đề cơ bản như: nguyên tắc, phạm vi, cơ cấu và thủ tục đàm phán và hiện đang đi vào đàm phán thực chất để sớm ký kết hiệp định thương mại hàng hóa.

- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư với Canada:

Đàm phán Hiệp định FIPA được tuyên bố khởi động tại HNCC APEC tháng 9/2007, đã trải qua 3 phiên chính thức. Nhìn chung, đàm phán tiến triển thuận lợi và đạt được một số bước tiến quan trọng về mức độ cam kết, cách thức tiếp cận và danh mục bảo lưu.

- Hiệp định Đầu tư Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BIT):

Đàm phán Hiệp định BIT chính thức được khởi động nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 6/2008). Đến nay, hai bên đã tiến hành được 2 phiên đàm phán, đã trao đổi các vấn đề kỹ thuật của Hiệp định, xác định mối quan tâm của mỗi bên để tạo cơ sở để bước vào giai đoạn đàm phán thực chất tiếp theo.  

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP):

Đầu năm 2009, Việt Nam đã quyết định tham gia với tư cách quan sát viên vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định TPP được ký giữa Chilê, Niu-Dilân, Singapore và Brunei từ năm 2005. Đến cuối năm 2008, TPP có thêm sự tham gia của Hoa Kỳ, Úc và Pê-ru. Hiệp định TPP là một FTA với diện cam kết rộng (bao gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ (trừ dịch vụ tài chính), quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, các biện pháp cứu trợ thương mại, vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, lao động, môi trường, nhập cảnh ngắn hạn, giải quyết tranh chấp, hợp tác, minh bạch hóa, đối tác chiến lược) và sâu (cao hơn WTO)./.

(Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, BNG. 10/2009)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer