Khái quát chung về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và sự tham gia của Việt Nam
I. Khái quát chung về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC):
1. Thành lập: Tháng 11/1989, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation, gọi tắt là APEC) được thành lập tại Can-bê-ra, theo sáng kiến của Ốt-xtrây-lia, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
2. Thành viên: Từ 12 thành viên sáng lập (gồm Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, In-đô-nê-xia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xia, Niu Di-lân, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan và Hoa Kỳ), sau 4 lần mở rộng thành viên vào các năm 1991(Trung Quốc, Hồng Công - Trung Quốc, Đài Bắc - Trung Quốc), 1993 (Mê-hi-cô, Pa-pua Niu Ghi-nê), 1994 (Chi-lê) và 1998 (Pê-ru, Nga, Việt Nam), đến nay APEC có 21 thành viên. Từ năm 1997 APEC chủ trương tạm ngừng kết nạp thành viên mới.
Vị thế và tiềm năng của APEC: đại diện khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 54% GDP và 44% thương mại toàn cầu.
3. Mục tiêu của APEC: Xây dựng cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, hợp tác bảo đảm an ninh con người, và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.
4. Nguyên tắc hoạt động: APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc.
5. Cơ chế hoạt động: gồm Hội nghị cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng (HNBT) Ngoại giao - Kinh tế, các HNBT chuyên ngành và Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM). Bộ máy giúp việc gồm 4 Ủy ban,13 nhóm công tác, 1 nhóm đặc trách, 22 tiểu ban, nhóm chuyên gia, diễn đàn, đối thoại và đối tác chính sách, và Ban thư ký APEC hoạt động thường trực, trụ sở tại Xinh-ga-po.
Đến nay, APEC đã trải qua 21 kỳ Hội nghị Cấp cao; 25 kỳ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế; 19 Hội nghị Bộ trưởng Thương mại, 20 HNBT Tài chính và 20 HNBT Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các HNBT chuyên ngành về giáo dục, năng lượng, phát triển môi trường bền vững, tài chính, y tế, phát triển nguồn nhân lực, an ninh lương thực, biển, công nghệ và khoa học, cải cách cơ cấu, truyền thông và thông tin, giao thông vận tải, du lịch và phụ nữ…được tổ chức họp khi cần thiết.
6. Một số kết quả hợp tác nổi bật:
(i) Về tự do hóa thương mại và đầu tư:
- Từ năm 1989 đến năm 2010, mức thuế trung bình giảm từ 16,9% xuống còn 5,8%, thương mại giữa các thành viên tăng từ 1,7 nghìn tỷ USD lên 9,9 nghìn tỷ USD;
- Tổng giá trị thương mại (hàng hóa và dịch vụ) tăng từ 3,1 nghìn tỷ USD năm 1989 lên đến 16,8 nghìn tỷ USD năm 2010;
- Là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về Danh mục chung về hàng hóa môi trường với 54 mặt hàng môi trường sẽ giảm thuế ở mức 5% trở xuống vào năm 2015;
- Thúc đẩy hợp tác hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương.
(ii) Tạo thuận lợi cho kinh doanh:
- Chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể qua 2 lần cắt giảm 5% vào các năm 2006 và năm 2010;
- Hiện đang triển khai: Kế hoạch hành động về Thuận lợi hoá kinh doanh (mục tiêu đưa hoạt động kinh doanh rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25% trước năm 2015), Cơ chế một cửa, Kế hoạch hành động Thuận lợi hóa đầu tư APEC, Thẻ đi lại doanh nhân (ABTC), Chiến lược mới về cải cách cơ cấu, mục tiêu giảm 10% chi phí giao dịch kinh doanh vào năm 2015 thông qua cải thiện chuỗi cung ứng...
(iii) Hợp tác kinh tế - kỹ thuật (ECOTECH):
- Các hoạt động của ECOTECH nhằm xây dựng năng lực và kỹ năng cho các thành viên APEC trên cấp độ cá nhân và thể chế, khuyến khích các nước thành viên tham gia đầy đủ và tích cực vào kinh tế khu vực.
- Từ năm 1993, khoảng 1600 dự án đã được triển khai trên các lĩnh vực, trong đó có liên kết kinh tế khu vực, an ninh con người, cải cách cơ cấu…;
- Hỗ trợ cho khoảng 150 dự án mỗi năm với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD;
- Hình thành mạng lưới 46 Trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) hoạt động tại 10 nền kinh tế thành viên.
III. Tham gia của Việt Nam trong APEC:
Ngày 15/11/1998, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 6 tại Ma-lai-xia, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của APEC; đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của ta.
Kể từ khi gia nhập, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC, nổi bật là:
- Đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện. Hội nghị Cấp cao APEC 14 đã lần đầu tiên xác định triển vọng dài hạn của APEC về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), thông qua Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bô-go và các biện pháp cải cách tổng thể, tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC.
- Chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 70 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố….);
- Đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC, gồm: Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 – 2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 – 2013...
- Hàng năm, Việt Nam đều đăng cai các cuộc họp các Nhóm công tác của APEC. Năm 2014, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Phát triển Nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 (tháng 9/2014, Đà Nẵng);
- Đáng chú ý, Việt Nam đã lần thứ hai đăng cai thành công Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017, góp phần nâng cao vị thế quốc tế, thể hiện việc tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho việc ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Đến nay, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế quan trọng tại khu vực trong nỗ lực triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XI về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương. Diễn đàn APEC hội tụ hầu hết các đối tác kinh tế, thương mại và chiến lược hàng đầu của Việt Nam, chiếm 65% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |