Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thursday, ngày 26 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

WEF ASEAN 2018 thành công nhất trong 27 năm

(Baoquocte)- Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đánh giá, trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF về khu vực ASEAN và Đông Á, đây là diễn đàn thành công nhất với nhiều “kỷ lục”.

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra từ ngày 11-13/9 tại Hà Nội, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất, tập trung thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng chính sách, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng.

Dấu ấn Ngoại giao đa phương Việt Nam

Theo thông tin nhận được từ WEF, Hội nghị đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Chỉ tính tới trưa ngày 13/9 đã có 7.890 bài viết đưa tin về hội nghị WEF ASEAN 2018, gấp nhiều lần 2.000 bài viết tại hội nghị WEF 2017. Cùng với đó là 7 triệu người đã tham gia tương tác trên mạng xã hội, khoảng 13.000 lượt bài viết và bình luận trên Facebook và 90.000 lượt người xem trực tuyến về các phiên thảo luận khác nhau của WEF.

Tại cuộc họp báo sau lễ Bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, nội dung hội nghị được đánh giá cao, phù hợp với các nước ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, khi Đông Nam Á đang xây dựng cộng đồng đoàn kết, phát triển bền vững. Còn Chủ tịch WEF Borge Brende khẳng định, đây là một hội nghị ấn tượng, với nội dung bao trùm nhất qua 60 phiên thảo luận, thu hút sự tham dự của 9 lãnh đạo các nước Đông Nam Á và khu vực, khoảng 60 cấp Bộ trưởng, trên 800 CEO hàng đầu, đông nhất từ trước đến nay.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Hội nghị lần này còn khác biệt bởi có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử của WEF có lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tới tham dự phiên khai mạc. Các thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng, Phó Thủ tướng và 7 Bộ trưởng đều tham gia tích cực vào các phiên thảo luận khác nhau để chia sẻ ý kiến và học hỏi kinh nghiệm trong CMCN 4.0.

Thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã tạo nên dấu ấn quan trọng, đậm nét cho Việt Nam, khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao; thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam; đồng thời khẳng định thế và lực mới của Việt Nam sau hơn 30 năm Đổi mới; thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Với thành công này, Việt Nam sẽ vững tin bước tiếp trong hành trình hội nhập và phát triển cùng cộng đồng quốc tế.
Kết nối ASEAN, kết nối với thế giới

Thông điệp xuyên suốt “CMCN 4.0 là tương lai của ASEAN” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Bởi trong bối cảnh CMCN 4.0, việc nắm bắt và tận dụng cơ hội chính là yếu tố sống còn đối với các thành viên ASEAN. Quan trọng hơn, hội nghị WEF-ASEAN lần này đã trở thành một ngày hội giao lưu về ý tưởng, về sáng tạo như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. Từ đó, Việt Nam - với tư cách nước chủ nhà, đã ghi dấu ấn đặc biệt với vai trò kết nối ý tưởng, đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo và điều phối.

Bằng chứng là những ý tưởng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra về việc lấy ASEAN làm trung tâm, xây dựng các quy tắc của ASEAN trong hợp tác chia sẻ dữ liệu, thành lập khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia với mạng lưới vườn ươm của toàn khu vực... đều nhận được sự đồng tình, coi trọng sự đón nhận nồng nhiệt của bạn bè quốc tế.

“Luồng gió mới” là cụm từ đã được nhắc tới tại WEF ASEAN 2018. Những ý tưởng mới kết nối ASEAN và các đối tác toàn cầu, đã được chính mỗi nguyên thủ, mỗi nhà lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu, các chủ tịch doanh nghiệp mang tới. Tất cả đều đưa ra một thông điệp quan trọng, để gắn kết mình với ASEAN, kết nối ASEAN với cộng đồng quốc tế, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Thủ tướng chủ nhà Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia HunSen đều đưa ra các ý tưởng, chia sẻ bài học kinh nghiệm của mình nhằm thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết với cộng đồng ASEAN; với mong muốn định hình một “tầm vóc mới” cho ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0 đã “tới cửa”.

Những phiên thảo luận sôi nổi, những ý kiến phản biện, những phòng họp không còn chỗ trống đã cho thấy sự trông đợi, sự hồ hởi với tham vọng bứt phá trong thời đại CMCN 4.0, như kỳ vọng của Thủ tướng Singapore – một trong những quốc gia sáng tạo nhất thế giới rằng, chỉ một thập kỷ nữa thôi, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Khơi dậy sáng tạo

Khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa để mỗi quốc gia định hướng thành công trong CMCN 4.0. Bởi vì, theo Chủ tịch WEF Klaus Schwab, CMCN 4.0 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, tính kinh tế, xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá. Sự cạnh tranh toàn cầu được xác định bởi năng lực cạnh tranh chứ không còn bởi giá thành và sự cộng tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp trở nên rất quan trọng.

Theo phân tích của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại cho các nước ASEAN đó là sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn: điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm; tạo ra kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới… Còn những thách thức mà ASEAN phải đối mặt sẽ là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa, sự gia tăng khoảng cách thu nhập…

Trước những cơ hội và thách thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất các nước ASEAN cần đặt ra những ưu tiên bao gồm: Kết nối số, chia sẻ dữ liệu; Hài hòa môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics… cần phải hoạt động ở quy mô khu vực; Thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo; Tìm kiếm và phát huy tài năng; Hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer