Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thursday, ngày 26 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Hội nhập kinh tế quốc tế: Mục tiêu cao nhất là phục vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế, cần đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA, các hiệp định của ASEAN với các đối tác.
Chiều ngày 20/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo nhằm rà soát kết quả triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương thành viên của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp đánh giá trong thời gian qua, trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến những diễn biến phức tạp chưa từng có, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Lãnh đạo Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế và sự tham gia tích cực của các Bộ, ban, ngành, địa phương, Việt Nam tiếp tục triển khai quyết liệt, bài bản và hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng. Điểm sáng của thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế là thúc đẩy ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 thúc đẩy triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác, chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), hợp tác tiểu vùng Mekong… Với 16 Hiệp định FTA đang thực thi và đàm phán, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của nước ta với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan đã khắc phục khó khăn, thách thức, chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo thúc đẩy triển khai mạnh mẽ hội nhập kinh tế quốc tế. Đánh giá môi trường quốc tế trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các xu hướng liên kết mới và trọng tâm hợp tác trong các khuôn khổ khu vực và toàn cầu sau đại dịch, các vấn đề xung đột thương mại, các thể chế đa phương… có tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới cần đặt mục tiêu cao nhất là phục vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế, cần đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA, các hiệp định của ASEAN với các đối tác; tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng trong quá trình triển khai các cam kết, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành hàng, hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan cần chủ động xây dựng các phương án phù hợp thúc đẩy các FTA hiện đang đàm phán, tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan phối hợp thực hiện thành công các nhiệm vụ hội nhập ASEAN trong năm Chủ tịch 2020, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam trong đề xuất, sáng kiến và thực thi tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025; tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương tầm khu vực và toàn cầu như APEC, WTO… Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế là một trong 3 Ban Chỉ đạo thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.
 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer