KHÁI QUÁT VỀ CÔNG TÁC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “Huy động toàn xã hội tham gia vào quy trình kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện tốt mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì các thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất”
|
Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XI đã xác định một trong ba khâu đột phá chiến lược từ
nay đến năm 2020 là "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng
và cải cách hành chính".
Trong bài phát biểu về nhiệm vụ của Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Trong điều kiện các quan hệ kinh tế đã có sự thay đổi cơ bản, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, các quan hệ kinh tế ngày càng phức tạp và thay đổi khó lường, độ rủi ro và tính bất định tăng lên, không thể thực hiện có hiệu quả các yêu cầu trên đây nếu không xây dựng được một hệ thống thể chế chất lượng cao. Muốn vậy, phải cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên tất cả các nội dung: thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và tài chính công gắn với một hệ thống phân cấp hợp lý, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng quản trị công - một trong những điểm yếu trong quản lý ở nước ta. Phải nâng cao tính minh bạch và khả năng dự đoán của chính sách để vừa giảm thiểu sự bất định, độ rủi ro đối với nhà đầu tư, vừa tránh đầu cơ, ngăn chặn tham nhũng và giảm các chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế; đề cao vai trò phản biện xã hội và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách và đánh giá hiệu quả thực thi" (Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 31/7/2011).
Như vậy, trong công tác cải cách hành chính, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ xác định đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm điều phối, huy động sự tham gia tích cực, rộng rãi của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình kiểm soát thủ tục hành chính.
Kiểm soát thủ tục hành chính là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, nhằm kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà; bổ sung thủ tục hành chính cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế; bảo đảm quy định thủ tục hảnh chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.
Việc thực hiện công tác này được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ, theo đó kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện ngay khi dự thảo quy định về thủ tục hành chính và được tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, bao gồm các công việc chủ yếu sau:
- Đánh giá tác động thủ tục hành chính (về tính hợp pháp, tính hợp lý và sự cần thiết của thủ tục hành chính) và đánh giá các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
- Lấy ý kiến đối với quy định hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
- Thẩm định quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
- Công bố và công khai thủ tục hành chính được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành;
- Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính;
- Rà soát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính là cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Bộ Tư pháp, có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trong phạm vi cả nước, bao gồm cả việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính như những vướng mắc trong thực hiện, sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật... Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cũng là cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Phòng Pháp chế - Kinh tế - thủ tục hành chính) có chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính và là đầu mối tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật./.
Cập nhật 31-03-2014